Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Cảm nhận “bên lề” du lịch Thái Lan

Vừa đi du lịch Thái từ ngày 21-25/7 viết lung tung cho vui 

Nhân dịp Đà Nẵng mở lại đường bay trực tiếp đi Băng Cốc - Thái Lan, xin chia sẻ với các bạn một số cảm nhận của mình về đất nước Thái Lan. Đây chỉ là những cảm nhận mang tính chất “bên lề” của tour du lịch.
“ Chây Zen zen” – Hãy bình tĩnh
Sau phần chào hỏi, làm quen khi gặp mặt, Châu, anh chàng hướng dẫn viên người Thái gốc Việt đã dạy cho chúng tôi những câu nói thông thường bằng tiếng Thái. Theo Châu, chỉ cần học hai câu. Câu đầu tiên là lời chào “sawadikha” và câu thứ hai là “Chay zen zen” nghĩa là “hãy bình tĩnh”. Châu cho biết “chây zen zen” chính là câu cửa miệng của người Thái cũng là cách ứng xử truyền thống của người dân xứ chùa Vàng. Châu kể: ở Thái Lan, giả sử có một vụ hai xe ô tô va chạm, thì người lái xe sẽ ngồi nguyên sau tay lái khoảng 5 phút, vừa để bớt đi sự hoảng sợ nhưng cũng là để giữ cho mình thật bình tĩnh. Sau đó hai bên bước ra khỏi xe, chắp tay chào nhau, mời vào trong lề đường nói chuyện, coi nhau như bạn bè, không nói lỗi - phải, mắng mỏ gì nhau mà mỗi bên tự gọi điện cho … hãng bảo hiểm của mình đến làm việc. Tại các điểm du lịch, các nhà hàng, với hàng ngàn khách du lịch trong mỗi suất diễn (ăn) mọi người đều xếp hàng từ tốn, sẵn sàng nhường  nhau dùng trước. Tại các điểm bán hàng, người ta  đon đả mời chào nhưng không chèo kéo, tận tình chỉ dẫn khách, dù cho khách chọn lựa trả giá đã đời nhưng không mua thì cũng không bực mình, chửi mắng. Có thể nói ở Thái Lan, cách cư xử điềm đạm, từ tốn, thói quen nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt mình, không to tiếng, không xô đẩy, chen chúc … dường như là điều rất đỗi bình thường, từ trẻ em đến người lớn. Điều này có được phải chăng là từ nền tảng của một nền Phật học lâu đời, cộng với truyền thống tôn trọng đến mức sùng kính các giá trị tâm linh cùng nếp sống giản dị, khiêm cung.
Nhà cửa bên Thái không đẹp bằng các thành phố nước ta. Có vẻ như người dân Thái không quá chú trọng cho ngôi nhà của mình, quan niệm đó chỉ đơn giản là một chỗ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc là đủ. Đây cũng thể hiện một thái độ không bon chen kiểu cách, không sĩ diện hình thức, lúc nào cũng muốn tỏ ra ta đây “hơn người hơn đời” như xứ ta.  
Có lẽ  văn hóa Phật giáo quan niệm cuộc sống hiện tại chỉ là cõi tạm, kiếp sau mới là vĩnh hằng nên người dân cũng như các bậc vua chúa đều cố gắng sống thật tốt, đem lại nhiều lợi ích hơn  cho cộng đồng. Ở Thái, các sản phẩm tiêu dùng dễ dàng đem đến niềm tin cho khách hàng, một phần vì giá cả phải chăng, người bán thường không nói thách, khó lòng tìm được hàng giả, hàng nhái và ngay cả hàng xuất xứ từ Trung Quốc cũng không thấy. Các trung tâm sản xuất vàng bạc, trung tâm dược phẩm, các cơ sở sản xuất lớn cũng được gắn với thương hiệu “Hoàng Gia” như một bảo đảm về uy tín, chất lượng. Và ngay cả chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ chuyển giới (pede) trình diễn cũng được người hướng dẫn viên cho chúng tôi  nói với vẻ tự hào đầy cung kính rằng đó là “món quà mà Hoàng Gia của chúng tôi muốn gửi tặng đến du khách các nước khi đến với đất nước Thái Lan” 
Nét nhân văn từ “thành phố ma quỷ”
Trong chương trình Tour, chúng tôi được xem một suất diễn do các nghệ sĩ chuyển giới biểu diễn. Nói thật, ban đầu, dù đã được giải thích khá kỹ lưỡng nhưng chỉ nghe nhắc đến chữ “pê đê” đã khiến chúng tôi không mấy mặn mà, nếu không nói là khá ác cảm. Hướng dẫn viên kể cho chúng tôi nghe về quá trình chuyển giới đầy đau đớn và nguy hiểm của những người này. Họ đã phải chấp nhận không chỉ rủi ro phẫu thuật mà còn là sự tổn thọ, suốt đời phải phụ thuộc vào những loại thuốc uống để duy trì trạng thái cơ thể …
Chỉ đến khi thực sự mục kích màn biểu diễn của các nghệ sĩ chúng tôi mới thực sự thoát khỏi những định kiến đối với người chuyển giới. Shaw diễn rất hoành tráng, đầy màu sắc tổ chức chuyên nghiệp, thiết kế dàn dựng độc đáo, thông minh… Nhưng trên hết cả là sự lao động nghệ thuật rất xuất sắc của các nghệ sĩ thực thụ. Qua đây, chúng tôi đã hiểu thêm được một nét nhân văn từ một thành phố được mệnh danh là “ma quỷ” này. Không ở đâu như ở Thái, nơi mà những người chuyển giới, hay còn gọi là những người giới tính thứ ba, được xã hội công nhận, được sống và làm việc như những người bình thường, và quan trọng là họ được tôn trọng với tất cả các giá trị con người mà không hề có bất cứ sự kỳ thị nào trong cộng đồng.
Đối với du khách lần đầu đến với Thái Lan, khó mà hình dung ra được một đất nước thấm đẫm tinh thần Phật giáo lại có  thành phố Pattaya, nơi mệnh danh là “thành phố ăn chơi”, “thành phố ma quỷ” bởi đây là một thành phố sống chủ yếu là ban đêm với tất cả những gì bụi bặm, gai góc và tăm tối (theo quan niệm của nhiều người) . Khu phố đi bộ Walk Street nhộn nhịp, tấp nập với đủ loại người, đủ  thứ hình thức mời chào, đủ thứ âm thanh hỗn tạp, đủ thứ mùi vị nồng nặc … Những cô gái ăn mặc mát mẻ, đứng đong đưa chào mời khách công khai dưới tán lá dừa ven biển, những cô gái thân hình bốc lửa, uốn éo trong các quán bar … làm cho nhiều người trong số chúng tôi khá “dị ứng”. Nhưng như giải thích, đây là Pattaya, một thành phố ăn chơi, chỉ dành cho ăn chơi, và đã tồn tại mấy chục năm nay rồi nên đã đến đây thì bạn nên thừa nhận điều đó như một sự hiển nhiên, không bàn cãi gì.      
Không thể nói luật pháp không có giá trị lớn ở Thái, nhưng dường như ở đây các quy ước cộng đồng, các quy tắc đạo đức và cá những quy định bất thành văn của các khu vực, nhà hàng, quán xá … có ý nghĩa bắt buộc tuân thủ nhiều hơn. Với người Thái, cướp bóc, trộm cắp, gian dối, đâm chém … là những việc làm tội lỗi, đáng xấu hổ. Còn ngoài ra, những việc gì có sự thỏa thuận của đôi bên đều là công việc và họ làm công việc được thuê với tất cả sự cần mẫn, trách nhiệm cho dù là những việc nặng nhọc, thậm chí là bẩn thỉu nhất. Nhưng khi hết việc, hoặc đã hết giờ làm theo thỏa thuận, họ dứt khoát không làm thêm, làm cố để lấy thêm tiền.
Từ Thái Lan thêm tự hào về đất nước mình
Tôi có thể đoan chắc với bạn là nỗi nhớ về quê nhà sẽ đến ngay bữa ăn đầu tiên trên đất Thái. Vâng, thì cũng vẫn là cơm, là phở, là hủ tiếu, là rau xào và cả nước mắm nữa … không khác mấy so với Việt Nam nhưng món ăn Thái vẫn có một thứ mùi đặc trưng như mùi ngũ vị hương làm lấn át cả mùi thực phẩm. Tiếng là xứ xuất khẩu gạo nhiều và ngon nhất thế giới nhưng cả đoàn tôi đều nhất trí là gạo Thái không ngon bằng gạo Việt Nam (không biết có phải là tính tự hào dân tộc quá lớn hay là do chỉ được ăn thứ gạo quá thường của nước bạn). Rau của Thái thì cũng được nhưng không phong phú như bên xứ mình. Mang tiếng là thành phố biển, nhưng ở Pattaya chúng tôi không thấy bày bán hải sản phong phú như ở ta. Các bữa ăn cũng chỉ thấy món cá diêu hồng thường trực, thảng lắm mới được vài lát mực  tẩm bột chiên. Nhớ những bữa ăn cá tôm, cua ghẹ … ở nhà mà thèm. 
Một anh trong đoàn chúng tôi đưa ra nhận xét: Ở Thái Lan, cái gì cũng là nhân tạo. Quả thật, đi trên đất Thái, mới thấy họ không có phong cảnh thiên nhiên đẹp như Việt Nam ta. Hai bên tuyến đường cao tốc hầu như không có làng mạc, ruộng đồng xanh ngút ngát như ở bên mình. Như đã nói ở trên, kiến trúc nhà cửa cũng không đẹp bằng, chỉ có màu sắc trang trí trong hoàng cung và của các chùa chiền là sặc sỡ hơn xứ ta mà thôi. Các khách sạn nơi chúng tôi nghỉ lại, tiếng là 3,4 sao nhưng cũng không hiện đại như ở ta, có lẽ là do trải qua thời gian sử dụng đã khá lâu. Qua Thái, các thiết bị liên lạc điện tử của bạn có nguy cơ bị bỏ xó vì khách sạn không có wiffi, nên bạn phải mua SIM và 3G để sử dụng riêng với giá dịch vụ viễn thông đắt gấp mấy lần so với Việt Nam. Nói đến đây lại thấy sung sướng khi ở xứ mình khách sạn tha hồ wifi miễn phí, miễn phí cả ở nội đô nữa.   
Chúng tôi nói vui với nhau: “Biển ở Pattaya thì phải gọi biển của Đà Nẵng bằng … cụ.” Đảo San Hô thì cũng chỉ như … Cù Lao Chàm mà thôi. Trong khi giá cả dịch vụ như dù bay, ca nô trượt nước, và cả ghế ngồi trên bãi biển … đều rất đắt. Cho nên với người Đà Nẵng chúng tôi bảo đi chơi biển đảo thành ra chỉ là đi để biết, để thấy biển nhà mình “ngon lành” hơn xứ họ gấp nhiều lần.
Khen chê xứ người thì chắc còn nhiều điều nữa đang đón chờ các bạn cảm nhận và khám phá. Dù không có nhiều phong cảnh đẹp, dù không có bờ biển dài và giàu như Việt Nam, nhưng chúng ta phải thán phục Thái Lan về sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của họ, về cách làm du lịch chuyên nghiệp của họ, cả về lối sống, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đất nước này. Khám phá cảnh quan, tiếp thu những điều tốt đẹp, chiêm nghiệm những giá trị nhân văn cao cả, để “biết mình biết người”… đó cũng là mục đích và lý do thôi thúc của mỗi người khi tìm đến với những chuyến đi du lịch.