Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

NGỌC TRAI

Cái này viết nhân ý tưởng từ nhà Thuyền Lá tre. (“phản pháo” vụ hôm nọ Thuyền “ăn cắp” ý tưởng nhà mềnh. Éc)
Thuyền tre kể về những cây cúc Đà Lạt, mỗi dịp Tết đến lại , bị dồn ép nên phải sống nhiều hơn, cả ngày lẫn đêm để có thể bung hoa làm đẹp cho đời. Cô chọn cúc để vinh danh cho nghề trồng hoa Đà Lạt và có lẽ cũng là cho người Đà Lạt, cho một sự chịu đựng nhẫn nại âm thầm, dẻo dai, bền bỉ để đến lúc phát lộ ra sắc ra hương, tô điểm cuộc sống bằng đa sắc màu chuyển hoá lung linh.
Thuyền tre cũng gợi cho mình ý tưởng là nên lấy viên ngọc trai nhân tạo làm đại diện cho Đoà Nẽng mềnh.
Cách nay mấy năm, đọc 1 quyển tiểu thuyết Trung Quốc (quên tên rồi) có kể về nghề làm ngọc trai nhân tạo ở một thành phố biển nọ. Công đoạn là phải nuôi trai (con), bắt lên nhét vào đó một dị vật (có thể là hạt cát, hạt nhựa…), để rồi sau đó những con trai đau đớn tiết ra chất xà cừ bao bọc lấy cái dị vật kia làm thành những hạt trai long lanh, lóng lánh 7 sắc cầu vồng đeo lên đầu lên cổ các bà các cô, mang luôn cho họ cả niềm hãnh diện hơn người, hơn đời …Với quá trình đớn đau vật vã như vậy, hạt trai dù nhỏ bé cũng xứng đáng là một thành quả vĩ đại của sức chịu đựng hy sinh và hoàn toàn xứng đáng là đại diện, là biểu tượng cho một địa phương nào đó gần biển với ý nghĩa đẹp đẽ và anh hùng của nó.
Nhưng trong quyển sách ấy mềnh ấn tượng với cách làm ngọc và cũng ấn tượng với chi tiết: khi những viên ngọc long lanh được đưa ra trưng bầy trong những tủ kính lóng lánh thì ở xí nghiệp sản xuất hàng đống, hàng đống vỏ trai, thịt trai không-để-làm-gì được lâu ngày đã bốc lên thứ mùi kinh khủng … (không cần phải tả nữa). Không có vỏ, không có thịt trai hẳn nhiên không thể có ngọc trai. Nhưng nghiệt ngã ở chỗ viên ngọc trai lóng lánh với giá tiền ngất ngưởng kia chưa bao giờ gợi cho người ta nhớ về những thứ vốn dĩ đã nuôi nấng nó để rồi giờ trở thành những thứ không chỉ là vô dụng mà còn là thứ cặn bã, xú uế … đến mức không chịu nổi …  Và cũng chưa bao giờ giá tiền của viên ngọc trai kia được đem so sánh với sự ô nhiễm của môi trường do đám vỏ trai, ruột trai vô dụng kia để lại .
Cho nên ban đầu mềnh nhiệt liệt hưởng ứng ý tưởng nhà Thuyền, nhưng sau nghĩ lại về cái đám vỏ trai ruột trai … lại thấy hắn rất chi là .. vô hậu …
Ví lại Thành phố tớ đang mần cái gọi là “thành phố môi trường” nên mềnh a dua vô đó không chọn cái ngọc trai lóng lánh là đại diện được.
Nhà Thuyền thông sì củm nhoá  

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

KU ANH-KU EM

Chả trách mềnh giờ chừ cũng … sính ngoại …
Hôm rồi đi ăn đám cưới con gái bác T. Con bé này mềnh biết hắn từ hồi tí xíu, xinh xắn, học giỏi đi du học và vớ được 1 anh Mỹ trắng, ngon lành.
Đám cưới, gia đình chú rể bên Mỹ cũng qua. Cả làng choáng ngợp trước ông anh của chú rể, chiều cao "khiêm tốn" chừng 2,2 mét, nặng cỡ 2 tạ. Bố cô dâu đi bên cạnh chả khác mấy anh chuột bên cạnh anh voi.
Đến phần nghi lễ, phát biểu nhà gái, cắt bánh, rót rượu xong, anh trai chú rể xin phép nói. Bài nói (được thông dịch lại) cho cả làng nghe và vỗ tay ầm ĩ thế này:
- Tôi là anh của Matthew, từ nhỏ chúng tôi thường rất hay cùng nhau chơi những trò chơi như siêu nhân, chiến binh … và các bạn thấy đấy, với chiều cao và sức khoẻ của mình, tôi thường là người bảo vệ cho các em trong các trò trận giả đó. Nhưng sau này càng lớn lên, tôi nhận ra rằng chính Matt mới là một chỗ dựa thật vững chắc cho gia đình bởi sự tận tâm, sự sâu sắc và lòng vị tha… Chính vì vậy, Matt đã có thể tìm được một người như U. (tên cô dâu) và tôi mới có thể gặp mặt quý vị tại đây hôm nay …
Mềnh về kể chuyện lại cho Bống và Tít nghe, nói vui với chúng. Sau này khi anh Tít đi lấy vợ, Bống sẽ phát biểu như sau:
- Tui là em của anh ku Tít đây, tui xin kể cho mọi người một câu chuyện. Hồi anh Tít học lớp 1 suýt bị cô giáo đánh vì anh ấy đã không ăn uống hết phần  bánh và sữa của mình nên làm đổ tèm lem ra cặp sách. Sau đấy, cô giáo đã không thể đánh được khi nghe anh Tít tôi vừa khóc vừa bảo là anh ấy chỉ ăn một nửa bánh, uống một nửa hộp sữa vì muốn để dành cho em trai đang ở nhà. Sau này lớn lên nhiều lần anh em tôi có cãi vã thì mẹ tôi thường đem chuyện này ra kể lại và chúng tôi lại thương nhau như không có chuyện gì xảy ra. Vì vậy bây giờ, tôi chúc mừng anh nhưng cũng thấy hơi buồn vì từ nay anh đã theo vợ bỏ cuộc chơi với em mất rồi.
Còn cu Tít sẽ phát biểu thế này trong đám cưới của Bống:
- Tôi là anh trai của Bống. Mẹ tôi kể lại rằng hồi tôi được gần 4 tuổi thì em tôi mới 7-8 tháng. Tôi rất nghịch và nhiều khi khiến ba mẹ tôi rất bực mình. Có lần tôi nghịch làm ba tôi giận lắm. Nhưng thay vì đánh tôi, ba tôi lại phát đôm đốp vào mông em tôi làm nó khóc ré lên. Sau này ba tôi bảo thế là để “dằn mặt” tôi, để tôi vì thương em mà không dám nghịch dại nữa. Từ đó tôi đã hiểu rằng Bống, em tôi đây từ nhỏ đã phải gánh chịu giúp tôi nhiều tội lỗi dù rằng thật là oan uổng cho chú ấy. Tôi cảm ơn ba mẹ đã sinh ra, nuôi lớn và dạy cho anh em chúng tôi biết yêu thương nhau từ khi còn nhỏ xíu.
Hai đứa (à quên, 3 đứa, kể cả bé Phương nữa) cười tít mắt trước bài phát biểu (dự kiến) của mẹ chúng (tất nhiên là có chua thêm mấy câu đểu giả theo đúng phong cách mẹ nó nữa)
Gia đình mình hay có những câu chuyện sinh hoạt vui vẻ như vậy. Mềnh và chồng bất đồng nhiều chuyện nhưng riêng việc dạy dỗ hai nhóc biết yêu thương nhau thì đồng nhất.  À mà phải nói thêm là đồng nhất theo kiểu: mềnh chuyên đóng vai … ác để cho ổng đóng vai hiền.
Ngẫm lại chuyện dạy con cũng chả khác mấy chính trường. (Cái này nói ra thể nào mấy bà bạn cũng nhảy nhót, xon xen vào mắng mỏ đây). Cũng “thủ đoạn” các kiểu ấy chứ. Có khi phải phát vào mông anh này để doạ anh khác, có khi phải giả bộ đá đít anh này mấy cái để ảnh la oai oái cho anh kia xông vào bênh, có khi bố cốc đầu nhưng lại giả bộ ngơ đi cho ảnh tưởng là mẹ cốc, tức mẹ cái chơi; có khi bố thương ảnh, muốn cho ảnh xiền nhưng sợ mẹ la thì bố giả đò cau mặt nghiêm trọng để bắt ảnh phải trả lời (cho bằng được) câu hỏi 1 cộng 1 bằng mấy, đúng thì cho xiền …
Nhân dân (là hai anh cu) chả anh nào bị ghét, chả anh nào bị thua thiệt hết, chỉ mẹ nó nhận vơ hết cái ... ác về mình     

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

CỤ BÁ

Bọn mềnh, lũ “con ranh” văn phòng thường hay gọi lén sau lưng là cụ Bá.
Mấy ngày này có quá nhiều những bài viết về cụ, nên chắc chả cần phải thêm một bài nữa. Điểm qua một số báo thấy cánh phóng viên đã nắm được cái “thần” cái “thích” của cụ khá rõ nên đều viết theo dạng tưởng là chê mà hóa ra khen.
Còn mình cũng a dua ‘tương” lên một entry cho “vui cửa vui nhà” nhân dịp chuẩn bị tiễn cụ ra ngoải.
 Mềnh là lính, cũng đã có sự ưu ái chút chút của cụ nhưng cũng có những lần khiến cụ điên tiết canh vì cá tính, mềnh biết thỉnh thoảng cũng có bị ai đó “học” lại với cụ rằng thì là mà (nói chung là xâu xấu về mềnh). Mềnh biết cụ biết dưng chả chấp. Mềnh cũng không chấp cụ nốt… he he (nói thế cho oai)
Mềnh đã từng nói trước mặt cụ, và được cụ nhắc lại tại cuộc họp cơ quan: “họ biểu tui làm chi mà cái mặt cứ hằm hằm như … xe tăng”. Hơ hơ… Mà cụ xe tăng thiệt,  
Nói về  những việc cụ làm, (có thể là cách nói khác so với những người khác, có thể sẽ làm phật ý cụ và những người quanh cụ) thì mềnh chỉ nói như ri: “ lấy cái được trừ đi chi phí, còn lại là hiệu quả” thế thôi. Cái hiệu quả còn lại đó nó lớn hơn gấp nhiều lần so với những bậc tiền nhiệm, nó khiến cho hầu hết các anh A, B, C đều chỉ là những gạch nối mờ nhạt, với thành tích nổi cộm khi là “mấy cái xe vệ sinh có kèn”, khi là “một tượng đài ngả nghiêng” mà thôi; và chừ thì vô hình chung thiên hạ đã đánh đồng thành phố này là cụ và cụ là thành phố này vậy.
Thật vậy, mềnh chẳng cần kể ra những cái ô, a của thiên hạ khi đến Đà Nẵng mà chỉ nói đến chuyện các anh chị lãnh đạo  từ 64 (nay còn 63) tỉnh thành lũ lượt đến đây học tập về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Cánh Văn phòng chúng mình cung cấp đầy đủ thông tin, văn bản, hướng dẫn tận tình phần mềm phần cứng, phần mềm liên quan. Nhưng học xong thì “mang đến lại mang về” chứ không nơi nào làm được theo Đà Nẵng cả.
Vì sao gần 100.000 hộ dân Đà Nẵng (khoảng ½  dân số) chịu di dời giải tỏa mà lại có rất ít khiếu kiện? Trong câu trả lời cho vấn đề này có một nửa là thành quả của cụ, không thể khác. Bởi:
Có lãnh đạo nào (cấp tỉnh) nào chịu xuống tiếp dân, trực tiếp vận động đến cả chục lần không?
Có lãnh đạo tỉnh nào dám đối thoại (mềnh thì mềnh định dùng chữ “đối đầu” hơn nhưng sợ hiểu qua ý khác) với người dân giải tỏa một cách thẳng thắn, giải quyết ngay tại chỗ những yêu cầu chính đáng của dân ?. Ngay cả  việc sẵn sàng đứng nói chuyện trước hàng ngàn người dân đang bức xúc vì bị giải tỏa như cụ mềnh đoan chắc cũng không cha lãnh đạo tỉnh nào dám làm vì e bị …ném đá tơi bời. Dân ở ĐN quá rành cụ nên cụ sục đi đâu, làm gì họ cũng biết ngay, chớ không có chuyện đi qua phà mà bị vòi tiền như nhà bác Bí thư tỉnh ủy nọ.
Bọn mình lính văn phòng gần cụ, biết nhiều những giai thoại của cụ, luôn bị cụ chê bai, ca cẩm chứ chả mấy đứa được khen. Mà chê là chê ngoa lắm nhé, cũng chanh chua không kém mấy chị bán hàng.  Nhưng được cái yên tâm, từ từ bình tĩnh, em nào mần được thì cụ đều có cách mà chăm lo tử tế.
Với tư cách cá nhân, có những điều cụ làm hiện chừ đang được ca tụng này nọ nhưng mềnh không đồng tình và biết tương lai có thể sẽ phải sửa chữa lại với một tầm nhìn khác hẳn. Nhưng, như đã nói ở trên, cái đó cứ coi là chi phí mà trừ hẳn nó đi, cũng vẫn còn hiệu quả, một hiệu quả hiển hiện rõ ràng, to lớn đã và đang làm khó cho các hậu nhiệm của cụ.  

Không biết với cái kiểu làm đặc biệt, rặt Đà Nẵng, cụ có thể đối phó với đám quân sĩ “thâm nho nhọ đít” Bắc Hà không nhỉ? Chỉ  nhắn với đám bạn ngoải là học cách bọn mình, cứ bình tĩnh, từ từ đâu sẽ có đó. Bày trước cho 1 chuyện vui vui nha: sau Tết này, cố mà lên cơ quan đầy đủ, sẽ có lì xì đó. Bạn nên kiếm 1 chỗ ngồi mà đếm từ đầu đến chỗ mình có số thứ tự bội số của 9. Bởi vì nếu tờ tiền lì xì mà bạn nhận được có tổng điểm 9 nút thì bạn sẽ có thêm 1 tờ nữa. Ấy, nhưng nói trước, bạn đừng có hòng mà lừa cụ bằng cách tráo đổi tờ tiền của mình, cũng đừng hòng mà chơi trò bọt chuyền bởi tiền của cụ là sê ri và tờ nào đem đổi sẽ được cụ thu lại ngay. He he

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

CHUYỆN KỂ ĐẦU NĂM


Năm mới, lẽ ra mình nên viết môt cái gì thật vui vẻ cho mọi người đọc chơi. Hoặc chí ít cũng là một thông điệp như mọi năm. Nhưng mình thấy mình cần phải viết về một câu chuyện có thật 100% để tự “răn dạy’ mình một bài học về lòng yêu nước.
Câu chuyện này mình đã để dành để viết 1 truyện ngắn, nhưng giờ mình thấy nên viết thật như nó vốn là thế, kể cả tên các nhân vật có trong này.
Tôi có một ông chú họ tên là Nguyễn Đình Trân,. Chú là em ba tôi nhưng lớn hơn ba tôi khoảng gần chục tuổi. Chú Trân nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà, Bí thư huyện ủy Điện Bàn, Bí thư huyện ủy Tiên Phước. Chú chính là người dìu dắt, giác ngộ ba tôi theo đảng làm Cách mạng. Chú đã hy sinh năm 1961 tại nhà ngục Chín Hầm thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. 
Tóm tắt về chú  như vậy, tôi xin dành thời gian dài hơn để kể về câu chuyện khi chú bị bắt và những tháng ngày trong nguc Chín Hầm. Cũng trong phần này tôi sẽ trích tư liệu là những dòng nhật ký của bác Minh Vân, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhân chứng lịch sử còn sống sót tại địa ngục Chín Hầm. Bác Minh Vân đươc người ta cứu thoát khỏi nhà ngục này năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính.
Sau ngày đất nước bị chia cắt năm 1954, chú Trân được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Trong vai một thợ may, chú hoạt động bí mật ở Huế và bị bọn Ngô Đình Cẩn bắt năm 1958.
Bác Minh Vân viết: “cũng trong mấy tháng đầu năm 1958, Cẩn cho lập ra một trại giam đặc biệt tại tòa Khâm Sứ cũ của thực dân Pháp ngày xưa để giam giữ những người “chuyển hướng” … Số người bị “mời” về trại chuyển hướng đông lên rất nhanh. Mục tiêu đánh phá chủ yếu của chúng trong thời kỳ này là các cấp ủy  Đảng bộ khu V và các lưới tình báo của miền Bắc”
Chú Trân tôi cũng đã bị bắt và bị mua chuộc nhưng quyết tâm không khai báo nên chúng xếp chú Trân “vào loại tù chống lại “chính sách” và đưa đến nhốt tai Lao xá Ty Công an vào tháng  8  năm 1958”. Tại đây, chú Trân, bác Minh Vân cùng 4 người nữa bị giam lỏng, để cách ly với các tù nhân khác để dễ bề lung lạc , dụ dỗ lôi kéo. Chính trong thời gian này, chú Trân đã cùng các anh em khác bàn bạc, đề ra nhiệm vụ đấu tranh chống “chuyển hướng”, giữ vững khí tiết cách mạng, đứng vững trước âm mưu, thủ đoạn lừa bịp, tra tấn của địch
Lung lạc không  được, địch ra tay giáng đòn trừng phạt. Ngày 15/12/1960, bọn mật vụ đã xích tay chú Trân và 2 đồng chí khác đến nhà ngục Chín Hầm. 8 tháng sau đó, bác Minh Vân cũng bị địch đưa tới và nghe kể về chú Trân tôi ở đó.
“Đó là một cái chuồng tối tăm, bốn bề kín mít, đứng thẳng người lên được nhưng trên đầu là một hàng song sắt to chận ngang. Hầm chỉ có 20 chuồng giam, số tù chỉ có 10 người mà cứ chết dần, nên trong hầm luôn có hơn 10 chuồng trống” Bác Minh Vân đã nghe bác Quí (người bạn tù) lại về sự hy sinh của chú Trân tôi “ Bị địch đưa đến hầm giữa mùa đông, vào những ngày mưa dầm không ngớt, Trân lại nằm phải một cái chuồng bị nước dột rơi xuống nhiều, luôn luôn bị ướt và rét thấu xương nên anh ấy nhiễm lạnh và bị bệnh phổi rất nặng. Anh em muốn đến gần Trân  dù không giúp được gì cũng có thể  nâng giấc, an ủi cho nhẹ bớt nỗi đau nhưng mỗi người đều bị nhốt chặt trong chuồng nên đành chịu. Chỉ biết nằm nghe từng tràng  ho rũ rượi, từng chuỗi nấc liên hồi của anh trong cơn hấp hối mà nhức nhối tâm can, tưởng như chính mình bị hành hình. Trước giờ tắt thở, Trân cũng cố nói lên lời vĩnh biệt bằng những lời thì thào, đứt quãng: “ các đồng chí, hãy cố sống, mong các đồng chí sẽ về được với Đảng trong ngày toàn thắng. Trân xin vĩnh biệt.
Chú tôi đã hy sinh như thế. Hai người con trai của chú cũng đã hy sinh nên thím tôi được phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng chặng đường để đi đến niềm vinh quang ấy của thím tôi, của anh Bình tôi đầy đắng cay và đau khổ.  Bạn có thể tưởng tượng, nhiều năm trời, sau giải phóng, anh Bình đã phải chạy đôn đáo khắp nơi để đề nghị xem xét trường hợp hy sinh của cha mình . Có cán bộ cao cấp, khi nghe anh nhắc đến tên chú tôi thì giơ tay chặn lại và nói thế này: “Ba cháu đã vậy, giờ cháu phải …làm lại cuộc đời” Có lẽ có nhiều người vẫn chưa tin là chú tôi đã hy sinh, có những lời đồn đại ác ý cho rằng chú tôi vẫn còn sống và đang ở …Mỹ.
Điều đó khiến anh Bình càng nung nấu quyết tâm tìm cho ra nơi chôn cất chú tôi. May mắn là anh đã tìm được bác Minh Vân và đươc bác kể lại về sự hy sinh anh dũng của cha mình. Bác Minh Vân cũng đã tặng anh tập thơ của bác với nhan đề: “sống trong mồ” kể lại những tháng ngày gian khổ trong ngục Chín Hầm.
Mãi đến năm 1984, gia đình thím tôi mới nhận được Bằng Tổ quốc ghi công của chú. Mới đây, tên của  chú đã được đặt cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn.
Năm 1997, với 1 chiếc điện thoai di động mượn được, chúng tôi cùng  anh Bình ra Huế, tới khu vực Chín Hầm. Anh Bình chỉ cho tôi những đặc điểm về địa hình, địa vật nơi mà theo nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên đã chỉ chỗ chôn của chú Trân. Và kỳ lạ thay, chính tôi lại là vật làm mốc để tìm được chính xác chỗ chôn của chú Trân khi liên lạc với ông Liên (khi ấy ông đang ở Hải Dương) bằng điện thoại di động. Khi đào lên, thoạt đầu chúng tôi thấy một lớp đất đen, nhưng ông Liên bảo rằng đó chỉ là một lớp mùn gỗ ván, cái thanh ván mà địch đã dung để khiêng thi thể chú tôi ra khỏi hầm, hất chú xuống một cái hố nông đào vội rồi lấp lại. Quả nhiên dưới lớp mùn đất đó, chúng tôi đã tìm thấy chú.
Tôi đã từng nghĩ rằng, thật đáng buồn khi những người đồng chí anh em lại không tin nhau, lại phải nhờ đến một nhà ngoại cảm để xác minh chứng thực. Sự hy sinh của chú thật anh hùng, nhưng sự hy sinh của thím tôi, của các con chú, những người còn sống tuy thầm lặng mà chứa đựng biết bao đớn đau, nghiệt ngã cũng anh hùng không kém... 
Tôi cũng đã hiểu cuộc đời có bao nhiêu chuyện nghiệt ngã như vậy …
Chú tôi đã dành trọn cuộc đời mình, cũng như hàng triệu người khác đã hy sinh, dù là dưới làn đạn, dù là trong ngục tù của kẻ thù để làm gì? Để cho ai?
Nếu ta nghĩ được điều đó, ta sẽ biết mình cần phải làm gì.