Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

VỢ NGU NGU

Hôm trước ngồi nói chuyện với thằng bạn ở nước ngoài về. Nói chuyện cuộc sống gia đình. Nó thở dài bảo đã ly hôn (con vợ hắn cũng là bạn mình). Nói đến chuyện sẽ lấy vợ khác như thế nào đây, mềnh nghiêm mặt bảo nó:
- Tao bảo thật, bây giờ mày muốn lấy vợ nữa thì lấy cái con nào ngu ngu ấy. đừng lựa con giỏi mà lấy nhé
 Nó trợn mắt ý hỏi sao lại thế?
- Thứ nhất, là đàn bà thì không nên thông minh quá. Thông minh quá thì cũng chả làm được cái gì vì có làm được cái gì thì cũng chỉ là …đàn bà mà thôi. Như kiểu người ta vẫn bảo “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, thì dù bây giờ có leo lên cây dừa đái xuống (như chị Út Tịch)  thì người ta cũng vẫn cười bảo: “cái con đàn bà đái không qua ngọn có kia nó đang leo cây dừa đái xuống kìa”
 Thứ hai, đàn bà thì chỉ nên quanh quẩn lo cho chồng con, gia đình. Người đàn bà xông pha trên chính trường thì chưa chắc đã là giỏi và vì thế người đàn bà lo cho gia đình thì cũng chưa chắc là ngu. Bởi chính trường không có đàn bà (và nên không có đàn bà) thì chính trường vẫn có những thằng đàn ông (ngu và không ngu) làm, dở hay thì thiên hạ cứ nhè đó mà chê khen. Còn công việc gia đình nếu không có tay đàn bà thì khó có thằng đàn ông nào kham cho hết. Cho nên nói chuyện ‘thiên chức” này nọ là cách nói cho oai lấy lòng của mấy cha đàn ông bẻm mép được vợ hầu cho tận miệng, chứ dù muốn hay không, dù hay hay dở thì đám đàn bà vẫn cứ phải quần quật lo thu vén với nhà cửa chồng con và miệng thì vẫn phải nở nụ cười nói như kiểu mấy chị giám đốc thành đạt nọ kia rằng “tui coi được làm công việc nhà là  hạnh phúc”. Hờ hờ…
Thứ ba, mày là đứa thông minh, giỏi dang và …gia trưởng,  nên con vợ mày cần ngu ngu đi để cho nó … dễ bảo, dễ tin. Giống như sếp có thằng lính ngu ngu sai đâu đánh đó thì dễ chịu hơn là gặp thằng lính có học (bằng cấp đôi khi hơn sếp) cứng đầu cứng cổ hay cãi …
Thứ tư là… he he… nói  riêng với mày là nếu mày lấy con vợ ngu thì chúng tao (bạn của mày) mới có cách giải thích với người khác rằng thì là: “ ờ thì chỉ có con ấy ngu nó mới lấy thằng ấy thôi”
Thằng bạn cười cười nhìn mình bảo:
- Thế còn tình yêu, mày không tin vào chuyện tình yêu à?
- Ờ hơ, Tất nhiên là tao tin  có tình yêu chứ, nhưng  tao lại không tin là bằng tuổi này rồi lại có thể lấy nhau vì tình yêu. Bởi vì dù cho có những người đã từng yêu nhau thời trẻ đi nữa mà không lấy được nhau thì đến lứa tuổi này lại càng không thể phá vỡ cuộc sống gia đình mà người kia đã có để có thể đến với nhau được. Số còn lại bập vào nhau thì chỉ là lợi dụng nhau không cái này thì cái khác mà thôi.
- À mà cái này cũng cần nhắc thêm là “ngu ngu” thì khác với ngu nhá
Nó trợn mắt hỏi khác sao?
- Thì cái này là đúng kiểu ngữ pháp Việt Nam . Tính từ là từ láy thì nghĩa của nó sẽ nhẹ hơn từ không láy. Ví dụ Hồng hồng thì màu nhẹ hơn là hồng hẳn. nên nói “ngu ngu” thì nó sẽ không ngu như là ngu hẳn, nghĩa là nó có phải tí khôn để biết khi nào cần ngu.
- Giá mà mày ngu ngu một tí nhỉ? Nó nheo mắt cười cười bảo mình
- Tao mà có ngu ngu thì tao cũng không lấy mấy đứa như mày đâu, đừng có mơ. Mềnh nổi cáu, trả đũa  
Thằng bạn trầm ngâm một chút (hiếm hoi lắm mới thấy nó như thế) phá vỡ sự im lặng bằng 1 câu nói chả biết đùa hay thật:
- Hồi trước  giá mà mày đừng vác chân ghế oánh tao thì có khi tao cũng yêu mày  đấy .
Hờ hờ, đúng là ngày trước, có lần  nó đem đổi cái chân ghế gãy từ chỗ của nó xuống chỗ mình làm 3 đứa chúng mình bị ngã chổng vó thế nên mình mới điên tiết canh cầm chân ghế gãy dọa nó (chứ chưa đánh). Cũng may, nhờ đó mang tiếng dữ dằn để bây giờ còn ngồi tám mày tao với nó. He he

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

CÁI BỂ NƯỚC

Sáng nay ngồi cà phê (lại cà phê, hầu như bao giờ cũng khởi nguồn từ cà phê) lại nói chuyện những khu tập thể ngoài bắc thời bao cấp. Ấn tượng nhiều, nhớ nhiều điều, vui buồn đủ thứ, song tự dưng ngồi nói một chặp thì loanh quanh thế nào lại ra cái bể nước khu tập thể.
Chả biết cái bể nước khu tập thể ngoài Hà Nội của mình được xây dựng từ hồi nảo, hồi nào, có nhẽ nó nhiều tuổi hơn cả mình nữa. Khi mình biết biết đã thấy nó chình ình hình chữ L ngay giữa khu tập thể. Lẽ tất nhiên nó được xây dựng để đáp ứng nhu cầu chứa và cung cấp nước cho trên 30 gia đình nhưng cái tính năng ấy được phát huy mạnh mẽ khoảng chừng 5 năm đầu tiên sau khi xây xong. Còn lại thì ...
Bên cạnh bể nước ban đầu là một nhà cấp 4  dài gần 15 mét. rộng chừng 2 mét  rưỡi là nhà bếp tập thể. Buổi sáng sớm đã náo nhiệt người lớn tất bật đun nấu, bỏ cặp lồng mang đi làm việc, bỏ cặp lồng cho trẻ ở nhà ăn trưa. Buổi chiều muộn thì xủng xoảng xoong nồi bát đĩa, hàng chục người già trẻ xúm quanh bể nước chủ yếu là để rửa rau, vo gạo (thịt cá thì hiếm lắm), giặt giũ. Chủ nhật thì vui hơn vì gấp đôi gấp ba số người cùng xúm lại đó giải quyết đủ các nhu cầu cá nhân. Ngày ấy nhà ai ăn cái gì cả xóm đều biết. Tối tối, lũ trẻ con bày trò trốn tìm, trận giả. Mình bé quá không biết chứ mấy anh chị lớn hơn thì cũng chọn bể nước là "nơi hò hẹn của đôi ta". Trên mặt bể nước thì là chỗ lý tưởng cho các bà các cô phơi đủ thứ, , củ cải, cà rốt, cá khô, gạo mốc... linh tinh lang tang. Mấy nhà gần đó thì chiếm cứ không gian bên trên cho việc giăng mắc quần áo, màn rèm...
Sau gần 40 năm trở lại khu tập thể xưa, vẫn thấy còn đó cái bể nước cũ. Đường đi vào dã hẹp hơn nhiều vì người ta làm nhà lấn ra. Khu tập thể bí rì rì, độ đạc, áo quần vẫn giăng mắc khắp nơi, mảnh sân chung bị lấn dần từng  tấc. Vậy mà cái bể nước vẫn còn, sừng sững, chiếm cứ một khoảng đất quí hơn vàng giữa phố cổ Thủ đô. Cái bể nước cũ tồn tại đó không chỉ với tư cách như một chứng nhân của thời bao cấp khốn khó, mà còn là đại diện cho một tư duy cũ kỹ tiểu nông, cá nhân bủn xỉn ...
Và điều quan trọng không phải là những cư dân của khu tập thể không biết những điều đó mà họ biết rất rõ rằng nếu đập vỡ cái bể nước đó đi thì cũng đồng thời là đập vỡ luôn "trật tự" của khu tập thể này. Một thứ trật tự trong hỗn loạn nhưng đã được mọi người ở đây chấp nhận dù cả người ngoài, người trong đều không tiếc lời chê bai, chửi rủa . Nhưng thà thế còn hơn là không biết điều gì sẽ xảy ra nếu phá bỏ nó.
 Tiền đồ của cái bể nước dù tối hơn của chị Dậu nhưng sẽ là lâu dài (nói theo tiếng Hán cho sang là trường tồn)   

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

XUI DẠI

Hôm qua mềnh đã mần một việc mà mềnh vốn dĩ rất ghét, cực ghét là xui một cu con đi kiếm cái …bằng giả. Hờ hờ …
Vốn hay tự trào rằng “ Nhà cháu có một rổ bằng, bằng thật, bằng giả lẫn lộn. Khi nào ông Nhà nước rảnh rảnh cho kiểm 1 phát tra lòi chành té bứa ra mấy cái bằng giả, còn lại là bằng thiệt”. Nhưng ti tỉ phần chăm cái bằng cấp của mềnh từ cái bằng quân sự học nhõn 10 ngày, cái bằng lái xe mô tô 1 tuần, ô tô 3 tháng rưỡi đều là học thật, bằng thật …
Vậy mà hôm qua bảo với thèn cu cháu: mày xem ở đâu người ta bán thì mày mua mẹ nó cái bằng giả đi, hồi trước tao thấy chúng nó bán đầy, còn tao thì chưa mua nhưng đã có lần đi thi hộ bằng A cho đứa bạn. Thế chó nào mà đến khi vào thi gặp đúng ông thầy dạy C mềnh hồi trước, lại phải bỏ nhỏ ổng để ổng đừng phát giác vụ thi hộ ni vì con bạn cần bằng A để được tuyển vào làm công nhân cho công ty nước ngoài.
Còn cu này, sở dĩ khuyên nó thế chính vì là nó giỏi, quá giỏi và lại mong muốn rất chân thành là xin được đi dạy trường công lập. Nó đã từng tốt nghiệp Đại học sư phạm loại khá, từng đoạt giải ô limpic toán toàn quốc, hiện đang học thạc sĩ . Mà tiêu chuẩn đầu vào thạc sĩ là anh phải đủ kiến thức bằng B anh văn trở lên, thi khó như tinh. Cu con này giỏi nhưng chính vì nó giỏi nên nó chả để ý gì đến chuyện bằng  A tiếng Anh thì nó quan trọng thế nào. Thế nhưng mà bi chừ khi đâm đơn xin việc làm giáo viên quèn trường công lập, lương ba cọc ba đồng theo ý chỉ của gia đình thì người ta lại đòi phải có bằng A tiếng Anh. “Không chỉ mình con, mà hàng loạt người khác cũng tiu nghỉu ôm hồ sơ ra về vì không có bằng ni cô ạ”. Ngày 20/8 là hết hạn nộp hồ sơ nhưng con tìm hiểu thì mãi tới ngày 3/9 mới có đợt thi, chớ con thi thì có khó chi đâu cô. Nó buồn bã nói thêm.
Mềnh cũng cười buồn theo hắn bởi cứ nghĩ có khi đây cũng là “chiêu” của mấy cụ nhằm loại bỏ các đối thủ đáng gờm trong cuộc đua tuyển dụng.
Mềnh không dám nói mềnh là đứa  “yêu Tổ quốc yêu đồng bào…” nhưng cái việc bẩu cu con mần một việc đểu giả đáng ghét như ri cũng chỉ nhằm một mục đích vô cùng lương thiện vì mình tiếc nhà nước nếu để vuột mất một đứa giỏi như hắn. Và thứ hai mềnh làm vì muốn giữ cho hắn còn niềm tin vẫn có những người giúp hắn thật lòng không vì vụ lợi để sau này hắn còn đàng hoàng đứng trên bục dạy cho đám trẻ con. Đó mới "là đạo đức. là văn minh" mềnh quan niệm rứa.
Rứa rùi về nhà, nói chiện với cu em, cu em bẩu: cái ni em lo được, bằng thiệt đàng hoàng luôn chớ không thèm giả. Rồi hắn loanh quanh chạy đâu đó, rồi gọi lại: "boác nì, em mần được dưng mà em ngại là ngại chính hắn không ưng. Rằng hắn là dân sư phạm vốn dĩ trân trọng cái thiệt, giờ chừ mần cho hắn ri rùi thì lương tâm nhà giáo của hắn có cho hắn đường hoàng trên bục không bóac hè?"
Tới đây, mềnh đành giơ tay đầu hàng...