Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

CÁI GIÁ CỦA NIỀM TIN

Hôm trước tình cờ đọc được bài viết này. Đọc xong lặng cả người. Mấy ngày sau vẫn thấy bần thần, từng dòng từng dòng chữ . Xin chép lại để giữ cho mình, cho con
Thái Bá Tân

Mùa đông năm ngoái tôi có việc lên Cao Bằng công tác. Khi ô tô đến thị xã thì trời đã tối, không còn xe đi Bảo Lộc, là huyện tôi phải đến. Ðành  thức chờ đến sáng vậy. Bến xe lúc này vắng người. Tôi chọn một góc vắng, rồi trải tấm ni-lông xuống đất, thầm lo không biết làm gì cho hết cái đêm lạnh lẽo, dài và buồn chán này.
Bên cạnh, ngồi quay lưng về phía tôi là một đồng chí bộ đội mặc quần áo sĩ quan, mũ kéo tùm hụp xuống tận mắt. Tôi tìm cách bắt chuyện. Một lát sau, vì không có việc gì làm, chúng tôi đã thoải mái trò chuyện với nhau. Hóa ra anh đi cùng xe với tôi từ Hà Nội lên, và như tôi, cũng phải ngồi chờ sáng để đi tiếp, có điều không phải đi Bảo Lộc, mà về Hạ Lang, quê anh. Tuy không nhìn rõ mặt, không phân biệt được quân hàm, quân hiệu, nhưng qua giọng nói tôi đoán anh là một sĩ quan từng trải và có lẽ không dưới bốn mươi lăm tuổi. Tôi yêu cầu anh có chuyện gì hay kể cho nghe, và anh đã kể. Trái với điều tôi mong đợi, chuyện anh kể không về những kỉ niệm chiến đấu ở chiến trường, mà về những con chim hải âu hiền lành sống trên những hòn đảo nhỏ xa tít ngoài đại dương mênh mông mà trong đợt tổng tấn công mùa xuân năm 1975, anh và đồng đội được lệnh ra giải phóng.
“Mấy ngày sau khi ta chiếm Dinh Ðộc Lập, chúng tôi được lệnh hỏa tốc ra đảo X. Trên danh nghĩa, chúng tôi là một tiểu đoàn, nhưng quân số thực tế chỉ hơn trăm người, lại toàn lính mới chưa dày dặn sóng nước, nên khi tới nơi, phần lớn phải nằm bất động vì say sóng. Cũng may chẳng phải đánh đấm gì mấy, vì bọn địch chốt trên đảo nghe tin đất liền thất thủ, tinh thần đã sa sút tột độ và chỉ chờ có người để đầu hàng. Việc tiếp quản, ổn định cuộc sống trên đảo được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi..
Thật khó nói hết sự ngỡ ngàng của chúng tôi những ngày đầu đặt chân lên đảo. Anh thử tưởng tượng xem – những doi cát nhỏ nhoi giữa biển cả mênh mông sóng dữ, suốt đêm ngày gió thổi như bão. Chúng tôi đã hốt hoảng thực sự khi đêm đầu tiên ngủ dậy – như trong câu chuyện thần thoại – chợt thấy trước mặt mình nhú dần lên những hòn đảo thoạt nhìn tưởng tàu địch. Thì ra ở đây có những hòn đảo quá thấp, đến mức thủy triều lên bị ngập hẳn dưới nước và chỉ khi nước rút mới xuất hiện trở lại.
Tuy nhiên, điều làm chúng tôi ngạc nhiên và thú vị hơn cả là chim hải âu. Xưa nay chúng ta chỉ thấy hải âu trong phim, trong các bài hát trữ tình, thế mà bây giờ, kia, chúng kia, hàng nghìn, có thể hàng chục nghìn con đang bay nhao nhác trước mặt. Chúng kêu những tiếng đơn điệu, nghe có cái gì buồn buồn trong đó. Tôi có cảm giác như đây là điểm hội tụ của tất cả loài hải âu trên biển. Từ đây, chúng tỏa đi kiếm ăn khắp nơi, chao lượn không mỏi trên những ngọn sóng, khi trở lại, chúng đậu kín bề mặt hòn đảo chúng tôi đang ở và cả những hòn nhỏ lân cận. Vì đảo trần trụi không cây cối, không hang đá, nên chúng ngủ, làm tổ và đẻ trứng ngay trên mặt cát, lẫn với những vón phân khô, những mẩu cá chúng ăn sót lại, phảng phất mùi tanh nồng.
Như anh biết, ở đất liền bao đời nay quan hệ giữa con người và con chim là thù địch. Thấy chim, con người luôn tìm cách bắt, bẫy hoặc xua đuổi. Phần mình, như phản xạ tự vệ hình thành qua hàng nghìn năm, thấy người là chim liền xa lánh. Còn ở đây, trong tiềm thức những con chim hải âu này, cái phản xạ tự vệ ấy không có, vì lí do đơn giản là không cần thiết, hay chính xác hơn là chúng chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ mối đe dọa nào từ phía những con người chúng gặp. Vâng, đúng như thế. Chúng đậu ngay trước mặt chúng tôi, xung quanh chúng tôi, thậm chí cả trên vai và đầu chúng tôi. Mà chúng tôi là ai thì anh đã biết. Sau những phút ngỡ ngàng đầy thi vị ban đầu trước sự cả tin thơ ngây của bầy chim kì lạ, chúng tôi nhanh chóng trở lại với thói quen bản năng thực dụng mang theo từ đất liền.
Việc đầu tiên là chúng tôi nhặt trứng luộc ăn. Không ngon lắm, nhưng cũng tàm tạm, ít nhất đối với những người luôn phải sống trong cảnh kham khổ. Tiếp đến là ăn thịt chim. Rất đơn giản: một người đứng thẳng chìa tay về phía trước. Sẽ có một con đến đậu với đôi mắt mở to háo hức nhìn xung quanh. Nó sẽ được bàn tay còn lại của anh ta vỗ vỗ vào lưng, rồi vặn cổ, vứt sang cạnh cho người khác vặt lông, đưa lên lửa nướng. Tiếp theo là con khác, rồi một con khác nữa, cũng với những đôi mắt mở to ươn ướt như thế. Và cũng như thế, chúng được vỗ vỗ vào lưng, bị vặn cổ vứt xuống đất. Chứng kiến cái cảnh độc đáo ấy là chúng tôi, những chàng trai vô tư ngồi quanh đống lửa, vừa nhồm nhoàm nhai thịt chim, vừa nói cười vui vẻ, quá ư vui vẻ.
Chẳng bao lâu sau, cái trò ấy cũng chán, phần vì thịt chim hải âu tanh, khác hẳn thịt các loài chim đất liền. Nhàn rỗi, chúng tôi lang thang đi trên đảo, dẫm nát dưới gót giày những quả trứng màu xanh lơ xinh đẹp, hay tiện chân đá bay những con chim khờ khạo nằm ngáng đường đi. Một cậu nổi tiếng tinh nghịch còn lấy gậy đánh vào chúng. Ôi, những con chim ngu ngốc tội nghiệp. Anh biết không, cứ con này bị đánh chết là con khác lại sa vào, không chút ý thức về mối nguy hiểm đang đe dọa. Cũng rất vô tư, chúng tôi thi nhau trổ tài thiện xạ. Tất nhiên mục tiêu vẫn lại là những con chim đang đậu phía trước, xa hay gần tùy khả năng từng người.
Tiếng súng quả có làm bầy chim hoảng sợ, nhưng là cái sợ mơ hồ không cắt nghĩa nổi. Chúng giật mình bay lên cao, nghiêng ngó nhìn quanh rồi lại ngỡ ngàng đậu xuống. Chúng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Có thể lúc ấy trong chúng đã hình thành mầm mống đầu tiên của sự ngờ vực đối với con người như cách đây hàng vạn, hàng triệu năm tổ tiên loài chim trên đất liền xa xôi đã ngờ vực con người khi con người bắt đầu đối xử thô bạo với chúng.
Hai ngày tiếp theo, vẫn những cảnh ấy xảy ra.
Sang ngày thứ tư thì một điều kỳ lạ đã đến. Anh có thể tin hoặc không, nhưng mờ sáng hôm ấy, ngủ dậy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy trên hòn đảo chúng tôi đóng quân không hề thấy bóng con chim nào. Xin nhắc lại: không một con nào! Dấu vết duy nhất còn lại của chúng là những vỏ trứng vỡ ngổn ngang và những túm lông chim gió thổi bay vật vờ trên cát. Ðang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì bỗng có lệnh báo động. Sau đó là lệnh tập hợp toàn đơn vị. Chúng tôi nhanh chóng đứng thành ba hàng, thấp thỏm chờ đợi.
Ðại úy tiểu đoàn trưởng Lâm của chúng tôi là người nhỏ bé, khắc khổ, đã trên năm mươi tuổi. Ông ít nói, hiền từ (lúc vui chúng tôi quen gọi “Bố Lâm”), nhưng dễ nổi nóng. Bản chất nông dân, hàng ngày ông thích mặc xuềnh xoàng, dễ dãi, nên hôm nay thấy ông bước ra trước hàng quân trong bộ đồ sĩ quan mới, đủ giày mũ và quân hàm, chúng tôi biết có chuyện khác thường. Sau khi hô “nghiêm” toàn đơn vị, ông bắt đầu nói, giọng trang nghiêm, run run vì xúc động và giận dữ:
- Các đồng chí… các đồng chí đã làm một việc cực kì nghiêm trọng… một việc xấu xa. Các đồng chí đã làm cả đàn chim hoảng sợ bỏ đảo bay đi… Bao năm nay chúng yên ổn sống hòa thuận với con người, với giặc, những tên lính ngụy, kẻ thù của chúng ta, các đồng chí hiểu chưa, với kẻ thù của chúng ta, thế mà nay, các đồng chí, những chiến sĩ cách mạng… chỉ trong ba ngày, các đồng chí đã… đã… Thật tôi không còn biết nói thế nào nữa. Tự các đồng chí phải hiểu lấy…Thật xấu hổ! Xấu hổ! – Ðôi mắt ông chớp chớp. Rồi im lặng một lúc, ông nhìn thẳng vào chúng tôi, nói tiếp với vẻ cương quyết hiếm thấy: – Từ bây giờ, tôi ra lệnh các đồng chí phải bằng mọi cách đưa đàn chim trở lại đảo. Thời hạn một tuần! Giải tán!
Ðấy, anh xem, câu chuyện hóa ra thế đấy. Ðến bây giờ chúng tôi mới ý thức hết việc mình làm. Mọi người lặng lẽ ai về vị trí người ấy, xấu hổ không dám nhìn vào mắt nhau. Liền sau đó, chi bộ họp. Tôi là đảng viên, tôi có dự. Tiểu đoàn trưởng hồi lâu nhắc lại những điều đã nói trước toàn đơn vị, và theo đề nghị của ông, chi bộ đã thông qua những điểm sau (nguyên văn):
1 – Bằng mọi cách đưa đàn chim trở lại đảo trong thời gian ngắn nhất.
2 – Các trung đội họp tự kiểm điểm một cách nghiêm túc.
3 – Từ nay cấm không được ăn thịt chim, trứng chim, cấm không được làm phương hại đến chim và trứng chim dưới bất kì hình thức nào.
4 – Cấm không được nổ súng, trừ trường hợp chiến đấu.
5 – Báo cáo về đất liền.
Tiếp đến là những ngày nặng nề, căng thẳng của chúng tôi. Toàn bộ sự chú ý của đơn vị chỉ nhằm vào một việc là đưa đàn chim trở lại đảo. Nhưng bằng cách nào? Chúng tôi đã thử mọi cách có thể nghĩ ra được. Trước hết là dọn sạch lông chim và vỏ trứng vỡ. Tuyệt đối không gây một tiếng động nào có thể làm chim sợ, và hạn chế đến mức tối thiểu sự xuất hiện của người trên mặt đảo.
Anh thử tưởng tượng xem, hơn trăm con người lặng lẽ, rón rén đi lại như những thằng ăn trộm. Một trăm con người ấy, một trăm chiến sĩ từng vào sống ra chết trên những chiến trường ác liệt nhất, một trăm chàng trai khỏe mạnh, đáng yêu và vô tư – thậm chí quá vô tư đến mức đã có một hành động lầm lỡ, nay thực tình hối hận muốn chuộc lỗi. Nếu cùng là người với nhau thì đơn giản hơn nhiều! Tôi cư xử không tốt với anh ư? Thế thì xin lỗi, và chúng ta sẽ lại chung sống với nhau như những người bạn. Còn nếu anh vì lí do nào đấy không thể tha thứ, ít ra cũng cho được nói rằng tôi làm việc ấy hoàn toàn không vì xấu bụng, mà chỉ do lầm lỡ! Ðấy, với con người có thể nói với nhau như thế. Nhưng với con chim thì không được. Chim chỉ hiểu chúng ta qua ngôn ngữ của hành động, mà hành động bao giờ cũng chỉ bộc lộ ở bề nổi của nó, phần quan trọng hơn, phần nguyên nhân thì không dễ nhận thấy nếu thiếu bộ óc suy diễn lô-gích. Chúng tôi đã làm một hành động xấu, con chim hiểu điều đó và đã xa lánh chúng tôi, nhưng nay chúng tôi đang có một hành động khác ngược lại, là sự hối hận và xấu hổ. Ðiều đó nằm sâu trong suy nghĩ của con người. Làm sao chim thấy được?
Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua mà vẫn không một con nào trở lại. Chúng chen chúc nhau chật chội trên những hòn đảo bé nhỏ khác, hoặc cam chịu cảnh ướt át bất tiện trên các doi cát khi ẩn khi hiện theo con nước. Kể ra câu chuyện sẽ không trở nên quan trọng mức ấy, nếu tiểu đoàn trưởng không cho phát lệnh báo động cả đơn vị. Chính việc đó làm thay đổi hẳn tính chất của vấn đề. Lúc này, trong việc lấy lại niềm tin của bầy chim, chúng tôi  hiểu còn có cái gì đấy trừu tượng nhưng to lớn và quan trọng hơn.
Vẫn không thấy bóng con chim nào xuất hiện. Mọi phương pháp, mọi mưu kế đều được đem ra thử. Tôi, với tư cách người dân tộc có kinh nghiệm săn bẫy muông thú cũng được hỏi ý kiến. Một anh chàng theo đạo Cơ Ðốc được yêu cầu cầu Chúa cho loài chim trở lại. Anh ta đã thành tâm cầu Chúa, nhưng tạm thời lời cầu chưa màu nhiệm. Một cậu còn đem cả bát cơm đang ăn tung lên nhử, quên rằng hải âu chỉ ăn cá…
Bầy chim vẫn lạnh lùng bay cao trên đầu chúng tôi, nghiêng ngó nhìn một cách cảnh giác rồi xuống đậu các đảo lân cận, dù đảo chúng tôi là nơi khô ráo, thuận tiện nhất, dù trên đó đang chờ đợi chúng là những con người đã hối cải, những người bạn thật sự.
Thêm một tuần, rồi một tuần nữa trôi qua…
Bỗng một sáng nọ, có cậu vừa bước ra khỏi hầm đã kêu to sung sướng:
- Kìa, chúng trở lại rồi kìa!
Cả bọn chúng tôi ùa ra xem. Trên một mô đất cao cách chúng tôi ba trăm mét, quả có mấy con đang đứng với nhiều tư thế khác nhau. Nhưng nhìn mãi vẫn thấy chúng đứng yên, mọi người sinh nghi, bèn rón rén đến xem. Hóa ra đó là những con chim nhồi! Mọi người nhìn nhau thở dài thất vọng. Nhưng ai đã làm những con chim nhồi đó? Vì sao? Cả đơn vị căn vặn nhau mãi vẫn không tìm ra thủ phạm. Vâng, thủ phạm, vì dù với mục đích gì chăng nữa, làm thế cũng là vi phạm lệnh giết chim đã được công bố.
Tuy thế, phải nói rằng chính nhờ những con chim nhồi kia chúng tôi mới thoát khỏi cái thế bất lực khổ sở của mình. Bay trên cao, thấy có bạn đậu yên ổn trên đảo, đàn chim hải âu bắt đầu thay đổi thái độ. Một vài con rụt rè bay xuống nhập bọn. Núp trong hầm, chúng tôi nín thở theo dõi. Hôm sau số chim xuống đậu đã nhiều. Hôm tiếp theo nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã có thể đi lại trên đảo, có điều phải rất cẩn thận và nhất là phải thật tự nhiên như không hề quan tâm tới chúng. Cuối cùng, sau hai tháng, tất cả trở lại như cũ, nghĩa là đàn chim lại có thể đậu lên vai, lên tay chúng tôi mà không hề lo sợ. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Anh biết không, ngoài ra chúng tôi còn có thêm cái cảm giác ấm áp của tình bạn, vì suy cho cùng, sống chơ vơ một mình giữa biển trời, có được con chim làm bạn mà nó bỏ đi, kể cũng buồn lắm chứ!…
Toàn bộ câu chuyện là thế. Nghĩ thật chua xót – chỉ trong vài ngày, mấy anh lính trẻ vô tư đã dễ dàng đánh mất niềm tin của những con chim bé nhỏ vào con người, và để lấy lại niềm tin ấy, cả một tiểu đoàn phải vất vả, khổ sở trong hai tháng liền. Biết làm sao được… Cái cần trả giá phải được trả giá, không còn cách nào khác!”
*
Anh bộ đội ngừng kể. Chúng tôi cùng ngồi im hút thuốc. Cuối cùng tôi lên tiếng:
- Tôi hỏi thật nhé, có phải anh nghĩ ra mấy con chim nhồi kia không?
- Không, – anh đáp sau một phút trầm ngâm. – Ðó là sáng kiến của  bố  Lâm. “Bố” quê ở một vùng chiêm trũng Thanh Hóa. Ở đấy người ta hay bẫy cò, nên “bố” mới biết cái kinh nghiệm ấy. Vả lại, hôm “bố” lén lút chèo thuyền sang đảo khác bắt hải âu là hôm tôi trực gác, nên tôi nhìn thấy hết. “Bố” bắt tôi thề không nói lộ với ai. Tôi không nghĩ “bố” sợ bị xem là vi phạm lệnh cấm, mà chỉ sợ mang tiếng lừa dối những con chim ngây thơ. Thế mà sau này, do tính bép xép, tôi đem kể hết với mọi người. Tuy nhiên, vì sợ “bố” buồn, toàn tiểu đoàn ai cũng vờ như chẳng hay gì. Có lẽ đến bây giờ “bố” vẫn nghĩ chỉ mình  bố” và tôi biết điều đó. Tội nghiệp ông già.
Cao Bằng, 1980

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

CÔNG LẬP, DÂN LẬP VÀ GÓC NHÌN

Mấy hôm ni báo chí cứ ì xèo chuyện Nam Định không nhận sinh viên dân lập, y như năm ngoái khi ĐN mềnh tuyên bố không nhận sinh viên  tại  chức.
Báo chí đa số phê phán các đơn vị này là phân biệt đối xử, là đi ngược với luật vì luật đã không phân biệt đối xử, thậm chí “vì các phôi bằng đại học đều do Bộ GD-ĐT quy định” (Nói thiệt chớ phôi bằng ni làm giả dễ òm hà, mà thực ra cũng chả cần phải giả)
Đã từng ziết một bài trước đây về  “chính quy và tại chức” (nhưng khóa ngay lại rùi vì động chạm quá)      
Sáng ni uống café, một bác hỏi: Mày thấy thế nào? Đúng hay sai .
 Trả lời, em chả nói đúng sai gì hết. Em  cũng hỏng khen chê gì người ta. Em thì em cứ nêu ý kiến của em về vấn đề này bác xem có đúng không nhé.
Thứ nhất: Đờ Nờ (Đà Nẵng) hay Nờ Đờ ( Nam Định) tuyên bố như vậy, gây sốc như vậy vì nó khác với suy nghĩ của đám đông. Đám đông luôn nghĩ rằng Luật Giáo dục nó không phân biệt bằng cấp dân lập hay không dân lập thì có nghĩa rằng thì là việc tuyển dụng cũng phải không được phân biệt chuyện này. Nhưng đám đông cũng quên rằng cơ quan nhà nước cũng là một nơi có quyền tuyển  dụng như tất cả những nơi có quyền tuyển dụng khác. Ví dụ như mấy cô mắt lé, miệng méo thì không được tuyển dụng vào ngành giáo dục mầm non vì làm cho trẻ dễ bắt chước (chẳng nhẽ tuyên bố không nhận mấy cô mắt lé thì hội khuyết tật sẽ lên tiếng rằng các ông bà nói thế là vi phạm luật bảo vệ người khuyết tật), Bộ đội Trường Sa thì chỉ tuyển nam thôi, chẳng lẽ Hội LH Phụ nữ lại nhảy nhót lên rằng các ông quốc phòng làm thế là phân biệt đối xử, chúng tôi cũng có quyền ra đảo đánh nhau chứ…. Tôi là người tuyển dụng, tôi có quyền đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn để tuyển chọn người làm việc cho mình. Tôi cứ bảo rằng chỗ tôi chỉ tuyển chính qui công lập chứ  không tuyển dân lập. Tôi cũng đâu có cản trở những người tốt nghiệp dân lập khi họ đi làm việc tại nơi khác, đầu quân cho những đơn vị kể cả đơn vị nhà nước  thuộc trung ương hay  doanh nghiệp địa phương. ĐN và NĐ cả hai đều là những địa phương có truyền thống học tập tốt, là “vựa” nhân tài cho nên việc tuyển chọn cho nhà nước những người giỏi nhất trong số nhiều người giỏi cũng là việc khó khăn gì, đâu cần phải "vơ bèo vạt tép" như một số địa phương, ngành khác.
Nói như thế thì cả Đờ Nờ hay Nờ Đờ đều chả có gì là sai cả. Mà thực ra mấy đ/c Nờ Đờ hay Đờ Nờ này lẽ ra chỉ nên đưa ra qui định thế thôi, đừng nói năng, giải thích rằng đầu vào với đầu ra thấp kém, rồi chuyện chất lượng đào tạo này nọ …để rồi bị dư luận xúm vào ném đá, đánh hội đồng…
Thứ hai: Xét từ góc độ một người đã tốt nghiệp ĐH (chính qui xịn hẳn hòi nhé), vào ĐH từ cái hồi đi học được nhà nước chu cấp tiền ăn học, đã và đang làm cơ quan nhà nước từ hồi bao cấp đến thời hết bao cấp, thậm chí đã từng vinh dự ngồi vào ghế sát hạch khi tuyển dụng CBCC cơ quan (vòng ngoài thôi) thấy rằng và nói thật rằng hình như người ta đang bỏ qua vấn đề là mấu chốt trong câu chuyện tuyển dụng đó là cách tuyển dụng như thế nào. Nếu có một phương pháp, một chế định, một cách làm khoa học hợp lý, công bằng trong việc tuyển dụng các ứng cử viên thì cũng chả cần đến những tuyên bố chọc ngoáy vào dư luận thế kia. Nói thì dễ đụng chạm chứ việc tuyên bố thế này không khéo lại chính là “gậy ông lại đập lưng ông” và dư luận phản ứng rằng có khi chính các cụ vì ở trình độ “dân lập”, không biết đưa ra những cách tuyển dụng thế nào cho tốt nên thôi thì cứ gạt một phát cho xong.
Thứ Ba: đứng ở “góc độ” của Cu Tít, Cu Bống, cu Bi... thì chuyện công lập hay dân lập cũng … chả là vấn đề gì đáng quan tâm. Cu Tít luôn lấy “thần tượng” Bill Gate và Steven Jobs ra để đối phó sự “hù dọa” của mẹ nó về tương lai. Đơn giản tương lai của Tít là “mở ga ra sửa xe ô tô” vì “mẹ không thấy người ta đi ô tô ngày càng nhiều sao. Đi nhiều thì phải hỏng, hỏng thì phải có đứa sửa chứ”. Trong khi ba nó gầm gừ “mày thích làm thợ hơn làm thầy à” thì mẹ (trái với sự đối đầu thường xuyên với nó) liền ủng hộ. "Ừ như thế cũng tốt con ạ, làm gì cũng được ở đâu cũng được, miễn là lương thiện và … có nhìu  xiền. He he". Cu Tít đang trong thế thắng lại bảo tiếp: "Mẹ cứ tưởng cái công chức nhà nước là quan trọng lắm ấy. Con nói thật nó chả khác gì cái bà cô vừa già, vừa xấu mà còn ... chảnh nữa." 
Mẹ nó giơ tay đầu hàng thằng cu con lớp 12 đang yên tâm với dự án Garage xe ô tô. Có thể như thế hiện thực hơn, khả thi hơn ấy chứ. Hừm                 

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

TUA DU LỊCH MỚI

Chúng tôi xin hân hạnh gửi đến quí vị một sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm mới lạ thú vị (và có thể không thú vị tùy thuộc vào đánh giá của quí vị). Tua du lịch này có chi phí hơi đắt (cỡ trên dưới 100 triệu đồng /người), đòi hỏi tiêu chuẩn phải là những quí khách đã tốt nghiệp Đại học trở lên. Thời gian sẽ được kéo dài khoảng hai năm, không phải đi xa.
 Những điểm làm nên sự khác biệt, nổi trội sovới những tua du lịch khác:
- Chỉ cần là một thành viên của tua du lịch này, quí vị có thể tự hào, được xã hội nhìn với đôi mắt đầy ngưỡng mộ bởi trình độ học vấn và khả năng làm ra tiền mà biết tiêu tiền một cách hữu ích
- Quí vị sẽ được trải qua những giây phút căng thẳng, tâm trạng hồi hộp, lo lắng, những thách thức sơ sơ và vỡ òa vì sung sướng vì đã vượt qua những thách thức đó
- Quí vị sẽ được sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu đã  xa ngỡ như không còn cách nào về lại; được sống lại với niềm lãng mạn của đời sống học trò, của những tình cảm đầy ắp yêu thương hờn giận … “ai cũng hiểu nhưng người cần hiểu lại không chịu hiểu”;      
- Có cơ hội làm quen, kết thân và sánh vai với những thành viên vào hàng đại gia, quan chức rất VIP để thấy mình cũng rất VIP;
- Được tận hưởng những giây phút sung sướng vì đã lừa được người khác, và luôn canh chừng để khỏi bị người khác lừa (nhưng cuối cùng tất cả đều bị lừa một cách ngoạn mục)
- Được tự do sử dụng những phương tiện nghe nhìn hiện đại nhất, thả sức thư giãn trong  một môi trường được tạo điều kiện tối đa cho thư giãn; 
- Thời gian kéo dài nên lúc nào thích thì tham gia, không thích thì ở nhà ngủ khỏe, trốn tránh được sự giao việc của cơ quan và những công việc linh tinh của vợ/chồng một cách hợp pháp  
Đặc biệt nhất của tua du lịch này mà không có bất cứ một hãng du lịch nào có thể có được:
Cuối tua du lịch quí vị sẽ được cấp một CHỨNG CHỈ CÓ GIÁ TRỊ VĨNH VIỄN, có thể giúp quí khách mở toang cánh cửa tương lai và nếu may mắn thì được lên chức lên quyền.
Địa chỉ liên hệ: tất cả các trung tâm đào tạo thuộc CHƯƠNG TRÌNH PHỔ CẬP THẠC SĨ trên toàn quốc.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

PHỎNG VẤN MỘT VỊ ĐẠI DIỆN PHỤ HUYNH


Phỏng vấn một vị đại diện phụ huynh học sinh
PV: Thưa anh, trước hết xin được chúc mừng anh vì đã đắc cử chức Hội trưởng hội phụ huynh của lớp cháu
PH: Ôi giời ơi cô ơi, cái chức ấy có ai thèm tranh cử với tôi đâu mà cô phải chúc mừng.
PV: Dạ thưa anh, lớp có 50 cháu, 50 phụ huynh học sinh, bầu được một người như anh làm hội trưởng tức là người ta cũng cân nhắc, chọn mặt  gửi vàng lắm đấy chứ anh.
PH: Thì thế, đúng là người ta thấy tôi có tiền và cả có vàng nữa nên người ta mới đưa tôi lên.
PV: Anh nói cứ như là kinh doanh, phải có tiền mới lên làm giám đốc được.
PH: Ấy cái này còn coi trọng tiền hơn cả kinh doanh ấy chứ. Làm đại diện phụ huynh phải có lắm tiền thì mới chi được bao nhiêu khoản của lớp của trường.
PV: Nhưng em thấy là những khoản ấy đều gói trong chỗ học phí rồi mà.
PH: Tôi đoán chắc là cô chưa có con.
PV: Dạ vâng
PH: Đấy, học phí làm sao đủ được.
PV: Vâng, em cũng biết là phải chi nhiều khoản lắm nhưng nếu có chi gì thì các vị phụ huynh kia phải tham gia chứ mỗi mình anh thì làm sao đủ được.
PH: Ừ thì tất nhiên là phải chung chi nhưng tớ có tiền nên tớ hô xung phong thì mọi người phải theo.
PV: À ha. Thế nhưng đâu phải mỗi chuyện đóng tiền. Làm đại diện phụ huynh thì phải là cầu nối giữa phụ huynh với trường lớp, giáo viên…
PH: À, cái đấy tớ giải quyết rất tốt, cực tốt nữa là đằng khác. Lớp con tớ là lớp xịn nhất trường đấy.
PV: Xịn là sao hả anh, là không có học sinh học kém, không có học sinh cá biệt à?
PH: Không phải, lớp con tớ là lớp chọn…
PV: À lớp chọn toàn học sinh giỏi.
PH: Không phải lớp con tớ là lớp chọn …toàn giáo viên giỏi.
PV: Sao lại toàn là giáo viên giỏi?
PH: Thì cũng nhờ tiền cả thôi. Đầu năm tớ đến gặp cô giáo vụ, biếu cô ấy ít tiền, nhờ cô ấy tuyển cho một đội ngũ giáo viên từ môn chính đến môn phụ toàn là giáo viên giỏi nhất trường. 
PV: À ha,
PH: Lớp con tớ  được các thầy cô cưng như cưng trứng, không thầy cô nào dám làm mếch lòng chúng nó.
PV: vậy nhưng lũ học sinh học hành có nghiêm túc không?
PH: Cuối năm không có đứa nào thi lại, không có đứa nào bị hạnh kiểm khá.
PV: Thế không có em nào bị kỷ luật vì nói chuyện trong giờ học à?
PH: Ngay cả cái đấy cũng không hề
PV: lạ nhỉ, chắc thầy cô dạy hay lắm.
PH: Ồ không. Tất nhiên cũng có đứa nói chuyện, quay cóp chứ nhưng không như những lớp khác hễ nói chuyện là hạ hạnh kiểm.
PV: Vâng, thường thì thế mà.
PH: Lớp này cũng có lần bị cô giáo hạ hạnh kiểm vài đứa vì nói chuyện.
PV: Rồi sao hả anh.
PH: Thì tôi lên gặp hiệu trưởng yêu cầu xem xét lại, tại cô giáo ấy dạy dở quá nên con chúng tôi ngủ gật hoặc nói chuyện riêng. Thầy hiệu trưởng nhất trí xem lại "hạnh kiểm" cô giáo và thế là phát hiện ra rằng cô ấy cũng đã “buôn dưa lê” trong giờ học chính trị và người phải chịu kỷ luật là cô giáo kia.  
PV: À vâng, cách làm mới.
PH: Từ đó không có giáo viên nào dám giở trò với lớp con tớ hết
PV: Anh đúng là đại diện xứng đáng cho phụ huynh học sinh.
PH: Ừ thì mình  phải thể hiện cái quyền của những người có tiền chứ
PV: (ngập ngừng) nhưng nói như thế có dễ bị mang tiếng thị tiền không thưa anh?
 PH: Đấy, nhà báo các cô đúng là chỉ chuyên nghĩ theo kiểu một chiều. Khi tôi nói như thế cô hiểu ngay ra chuyện tôi thị tiền. Thưa cô, tôi nói là chúng tôi, chúng tôi là phụ huynh là những người đóng tiền học phí cho con mình thì chúng tôi cũng có quyền đòi hỏi nhà trường phải dạy dỗ con chúng tôi cho tử tế. Nói thật với cô, lâu nay hình như người ta quên mất chúng tôi là người đóng học phí hay sao ấy. 
PV: nhưng như anh nói học phí đâu có đủ?
PH: Thì ít nhất học phí là cái tối thiểu để chúng tôi đòi hỏi những quyền lợi tối thiểu. Còn quyền lợi hơn thì như tôi đã nói lúc nãy là tiền ngòai học phí.
PV: Ô vậy ngành giáo dục của chúng ta chả khác gì kinh doanh à?
PH: Cá nhân tôi nghĩ có lẽ nên đặt vấn đề kinh doanh giáo dục có khi hay hơn là kiểu bao cấp giáo dục như hiện tại. Có thể nó sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh (tôi nghĩ rằng nó sẽ chẳng hề lệch lạc tí nào đâu) giữa các nhà trường.   
PV: Thì bây giờ người ta cho phép thành lập đầy các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đấy anh ạ. Nhiều trường còn tranh nhau sinh viên nữa cơ. Điểm thấp mấy cũng nhận
PH: Tôi cũng thấy làm lạ là trong khi những trường ĐH,CĐ,Trung cấp dân lập có, tư thục có, quốc tế có … mọc đầy như nấm sau mưa thì các trường học ở cấp phổ thông lại rất ít. Mà những trường học phổ thông thì mới  là gốc, là nền tảng cho giáo dục ở các bậc học khác. Cô có thấy thế không?
PV: Vâng anh nói đúng đấy ạ. Nhưng học phổ thông được nhà nước bao cấp thì cũng tốt chứ. Học phí thấp hơn nhiều mà anh
PH: Vâng thì học phí thấp nhưng cô lại chưa tính đến những chuyện như kiến thức bị nhồi nhét, con em chúng tôi thì bị mắng chửi, chưa tính đến khoản tiền học thêm mà hầu như học sinh nào cũng phải học.
PV: Hừm…
PH: Cho nên nói thật với cô là tôi đang tính làm một dự án mở trường THCS, THPT chất lượng tốt, học phí vừa phải và cô biết không, slogan của tôi sẽ là: “Học sinh ở đây không phải học thêm”
 PV: Ấn tượng đấy anh ạ.
PH: Chứ sao nữa. 
PV: Rất cảm ơn anh về buổi phỏng vấn này. Em đã nhận được nhiều điều rất thú vị.  
PH: Nhưng tôi khuyên cô là không nên đưa báo chí. Chả hay gì cho cô đâu
PV: Vâng, em sẽ suy nghĩ thêm về điều này. Một lần nữa xin cảm ơn anh .
Trên đây là toàn văn cuộc phỏng vấn tưởng tượng giữa phóng viên và trưởng ban phụ huynh của lớp “Hai trong một” .

TRỌNG THỦY GẶP MỴ CHÂU DƯỚI THỦY CUNG

Đề văn lớp 10: Hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ của Mị ChâuTrọng Thuỷ dưới thuỷ cung.
Sau đây là bài viết  của mẹ Bống  cho Bống mà không dùng nên cho bạn nào dùng đực thì dùng.
Trong chúng ta không ai là không ngậm ngùi mỗi khi nhớ đến bài học giữ nước từ An Dương Vương và bi kịch đau buồn về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Sau đây là phần tiếp theo của câu chuyện khi Trong Thuỷ gieo mình xuống giếng ngọc ở Loa Thành.
Chàng biết là mình đã chết. Dẫu rằng cái chết của chàng không nhẹ nhàng, thanh thản chút nào vì trong lòng chàng canh cánh nỗi nhớ Mị Châu cùng nỗi hối hận về tội lỗi của bản thân mình. Ngắm lại thể xác mình dưới giếng lần cuối cùng, linh hồn Trọng Thuỷ thở dài lặng lẽ thoát ra theo một đường hầm mà ở đó có một luồng sáng như mời gọi chàng. Trong Thuỷ hiểu chàng đang ở Thuỷ cung khi đến cuối  đường hầm là một vùng nước non xanh thẳm, với những rặng san hô nhấp nhô, những bầy cá tung tăng bơi lội... Một con rùa biển bơi đến bên chàng và lạ thay, từ miệng rùa mấp máy thành những thanh âm kỳ lạ vọng vào tai chàng chứ không phải ngân thành tiếng nói như người:
- Ta là thần Kim Qui đây, ta đã đợi chàng từ rất lâu rồi. Hãy theo ta vào chầu Long Vương.
Trọng Thuỷ cúi đầu đi , nói đúng hơn là lướt qua những đám rong rêu, hải quì san hô, những đàn cá đủ màu để đến một cung điện nguy nga lộng lẫy. Thần Kim Qui dẫn chàng vào một căn phòng lớn và đẹp đẽ rồi bảo chàng hãy đợi ở đó.
Trọng Thuỷ nhìn quanh, ánh sáng mờ ảo của căn phòng cũng giúp cho chàng nhận diện được chắc đây là nơi thiết triều của Long vương và giờ này chưa phải là lúc thiết triều nên ở nơi này hoang vắng lạ thường.
Bỗng, Trọng Thuỷ nghe thấy tiếng hình như là tiếng khóc của 1 cô gái. Ban đầu chàng ngỡ như là tiếng nước chảy mơ hồ nhưng càng lúc tiếng khóc càng rõ ràng hơn. Rón rén Trọng Thuỷ tiến lại gần chỗ có tiếng khóc. Chàng choáng váng khi nhận ra dáng hình quen thuộc. Chàng kêu lên thảng thốt:
- Mỵ Châu! Mỵ Châu! Ta đã đi tìm nàng khắp nơi.
Không thấy Mị Châu ngẩng đầu lên, chàng ngỡ nàng không nhận ra mình nên cuống quýt:
- Mỵ Châu, ta đây, là ta, Trong Thuỷ đây mà…
Bất ngờ Mỵ Châu ngẩng phắt đầu và bằng một giọng nói dù còn trong nước mắt nhưng vẫn rõ ràng và gay gắt:
- Chàng còn đến tìm ta để làm gì?  
- Mỵ Châu ơi, ta đây, ta nhớ nàng, ta muốn tìm nàng để tạ tội.
- Chàng nghĩ rằng ta có thể tha lỗi cho chàng được chăng khi giờ đây chính ta cũng đang là tội đồ của đất nước ta, là kẻ phản bội của dân Âu Lạc, là đứa con bất hiếu bất nghĩa của cha ta. Ta thật ngây thơ, thật cả tin khi trao cho chàng cả trái tim và cả bí mật của Loa Thành. Chàng hãy nhìn đi, nhìn ra ngoài kia để thấy bao nhiêu oan hồn người dân  Âu Lạc bị chết thảm dưới tay của Triệu Đà, cha chàng, thấy máu chảy đầy sông, đầy biển. Họ đang tìm đến đây để đòi ta phải trả nợ này.
- Mỵ Châu ơi, nhưng nàng cũng đã trả giá bằng cái chết trắng trong của mình và ta cũng đã theo nàng đến đây để cùng nàng tạ lỗi ...
- Trọng Thuỷ! cái chết của ta và của chàng ngàn đời cũng không thể rửa được nỗi nhục bán nước này đâu.
Trọng Thuỷ cúi đầu. Chàng đã hiểu nỗi đau của Mỵ Châu. Nhưng chàng vẫn mong nàng có thể hiểu được cho tình cảm của mình. Chàng khẩn khoản nói:
- Nhưng ta yêu nàng, ta đã đi tìm nàng và đã gieo mình xuống giếng để mong có ngày gặp nàng ở Thủy cung này.
Mỵ Châu nhìn Trọng Thuỷ cười buồn:
- Ta hiểu chàng yêu ta, ta hiểu chàng hối hận về hành động của mình. Bản thân ta cũng đã yêu chàng, rất mực yêu chàng, yêu chàng cho đến phút cuối cùng khi cha ta phát hiện ra vết lông ngỗng và chém đầu ta trước biển. Nhưng giờ đây, ở dưới thuỷ cung này ta mới hiểu ra: tình yêu  lứa đôi có nghĩa gì đâu khi đất nước mình đang bị chà đạp, giày xéo, khi nhân dân mình đang lầm than, chết chóc. Điều cuối cùng ta muốn là chàng hãy đi đi, hãy làm gì đó để ngăn cản tham vọng ngông cuồng của cha chàng, để chặn bàn tay độc ác của ông ta đối với xứ sở Âu Lạc cuả ta. Trọng Thuỷ ơi, ta cũng muốn nói rằng dù có thể giờ đây cha chàng đã chiếm được đất Âu Lạc nhưng sẽ không bao giờ có thể chiếm được lòng dân Âu Lạc. Hãy đi đi và kể lại cho muôn đời con cháu sau này về bi kịch tình yêu giữa ta và chàng.
Nói đến đây Mỵ Châu dừng lại một lát rồi nhẹ nhàng rướn người vươn lên phía trước, trông nàng khi ấy thật đẹp đẽ với mái tóc dài tha thướt bồng bềnh và chiếc áo dài đỏ rực màu máu nổi bật giữa làn nước trong xanh.
Trọng Thuỷ ngồi lại, mái đầu cúi xuống, thiểu não. Một lát sau chàng từ từ đứng lên đi từng bước nặng nề quay lại phía sau, nơi mà chàng nghĩ rằng có đường hầm đã đưa chàng đến nơi này.
Trọng Thuỷ không thể quay về dương gian được nữa nhưng chắc hẳn  chàng đã xin cùng Long Vương cho linh hồn chàng được ở lại với Loa Thành, và mong rằng nước giếng ở đó sẽ dần dần gột rửa cho những tội lỗi của chàng đối với nhân dân Âu Lạc. Những viên ngọc trai quí giá như tình yêu của Trọng Thuỷ - Mị Châu sẽ được nước giếng Loa Thành làm cho sáng bóng đẹp đẽ vô cùng

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

CƯỜI PHÁT

Người Việt Nam mình có nhiều tính xấu lắm. Điều này thì ai mà chả biết nhưng mà chả ai chịu nhận đâu.
Hôm nay nhân dịp mạng cơ quan bị  “toi” nên có thời gian rảnh ngồi chơi. Trên cơ sở  một số câu chuyện nhỏ mẹ Bống “tăm tia” được (2 trong số 3 câu là của sếp nhớn) mọi người tự rút ra cho mình kết luận về các tính xấu nhé
1. "Dũng cảm" thế
Có hai vợ chồng nhà nọ bị 1 toán cướp đột nhập vào nhà. Tên này bắt hai vợ chồng ngồi vào một góc nhà, lấy phấn vạch một vạch rồi bảo: “ hai đứa chúng mày trật tự ngồi đây, đứa nào thò chân ra ngoài vạch là tao bắn chết”. Sau khi bon cướp khoắng sạch đồ đạc và bỏ đi, chỉ còn hai vợ chồng ở lại thì ông chồng đột nhiên cười sằng sặc. Chị vợ ngạc nhiên tưởng chồng mình mất của hóa điên, sợ quá hỏi thì ông chồng trả lời: “Bọn cướp này ngu dễ sợ, nãy giờ anh thò chân ra ngoài vạch mấy lần mà chúng nó cũng không biết”.
KL: ngay cả khi bị rơi vào thế yếu, chả có gì trong tay mà cũng thích chống đối, thích khoe mẽ…

2. Đúng cũng bị phạt
Có hai anh nọ nói chuyện với nhau, rồi cãi nhau. Một anh nói 7x7= 28. Người kia cãi lại là 27. Hai bên cãi nhau lên quan huyện. Anh Hai Bảy biết mình sẽ thua nhưng lỡ rồi nên hối lộ quan huyện ít tiền. Quan huyện xử anh Hai Bảy thắng, anh Hai Tám thua. Anh Hai Tám tức quá mới kiện lên quan phủ. Quan phủ xử anh Hai Tám thắng nhưng rồi nọc cả hai anh ra đánh mấy chục roi. Anh Hai Tám tức quá liền hỏi quan huyện sao xử anh thắng mà còn đánh anh. Quan phủ lừ mắt bảo: cái tội của ngươi là đã biết rõ 7x7=28 rồi mà còn cãi ì xèo, chuyện không có gì mà kiện lên cả huyện, phủ. Cái gì mình đã biết rõ là đúng thì mình cứ làm chớ mắc chi phải cãi. Không đánh mi cũng uổng.”
KL: cái gì đã biết là mình đúng mà còn cứ cãi. Bị quan đánh là phải

3.  Sự tích cá mắt lồi
Có hai anh cùng nhau đi câu cá cạnh nhau. Một anh câu được rất nhiều cá mà toàn cá to trong khi anh kia câu mãi mới được nhõn con cá bé bằng ngón tay. Anh câu nhiều nhìn sang thấy thế bảo:
- Thôi, con cá nhỏ thế ông lấy làm gì?
- Nhỏ cũng kệ tui mắc mớ chi ông – Anh câu ít bực mình vặc lại
- Thôi tui đổi cho ông con cá to này, ông đưa con cá nhỏ đó cho tui – anh câu nhiều đề nghị.
Nghe vậy anh câu ít đồng ý giao con cá nhỏ cho anh câu nhiều để đổi lấy con cá to. Anh câu nhiều liền thả ngay nó xuống sông.
Bỗng dưng một ánh chớp lóe lên và từ dưới sông xuất hiện một vị thần. Vị thần nói với anh câu nhiều:
- Ta là thần sông và cũng chính là con cá mà ngươi vừa thả ra lúc nãy. Nay ta muốn trả ơn ngươi và cho ngươi một điều ước. ngươi hãy ước đi.    
 Anh câu ít thấy thế liền ý kiến ngay với thần:
- Nè ông thần, sao ông cho ông kia mà ông không cho tui. Không có tui giao con cá thì ông kia có thả cho ông ra được không?
Thoáng chút ngạc nhiên nhưng vị thần mỉm cười quay sang anh câu ít nói:
- Ồ thế ư? Thôi được rồi, ta cũng sẽ cho cả hai ngươi. Ta cho ngươi một điều ước, nhưng nếu ngươi ước cái gì thì anh chàng kia (í nói anh câu nhiều) sẽ được gấp đôi.
Anh câu ít suy nghĩ hồi lâu. Nếu anh ước có 1 cái nhà thì anh câu nhiều sẽ được 2 cái, anh ước có 1 xe ô tô thì anh kia lại 2 ô tô, anh ước có 1 em chân dài thì lập tức anh kia có đến 2 em. Nghĩ mãi, cuối cùng anh câu ít lên tiếng:
-         Thưa thần, tui xin ước được … mù 1 mắt ạ
Vị thần nghe xong trợn  mắt, ngã đánh ầm xuống nước biến thành con cá mắt lồi.
KL: ghen tức đến mức sẵn sàng chịu thiệt cho người khác... chết  

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

DIỆT BÌM BÌM

Sáng nay chat với cô bạn, lan man thế nào sang chuyện diệt cây Bìm bìm
Ở TP mình hiện đang điên đầu với lũ bìm bìm mọc trên núi Sơn Trà. Bao nhiêu đợt ra quân, bao nhiêu biện pháp từ chạt cây, đào gốc, đổ dầu luyn vào gốc, rồi đổ muối … cũng không ăn thua.
Cô bạn, có thâm niên làm việc với các cán bộ nông nghiệp, có vẻ rành rẽ về các loại cây cỏ lá cành, các loại thuốc trừ sâu hóa chất nên tư vấn, mách nước đủ thứ. (mình bảo cổ nghe theo cổ để 1 là mình thành công thần, 2 là thành tội đồ)  
- Thứ nhất, theo phương pháp cân bằng sinh thái  là nên trồng một loại dây leo khác cạnh tranh cho chúng nó tiêu diệt lẫn nhau . Lưu ý là nên xem trước đây có loại dây leo nào khác mà bìm bìm oánh chết để rồi lên nắm “chính quyền” không. Hai là “để em bảo bọn Syngenta, nó đem Gramoxon- thuốc diệt cỏ ra phun phát xem sao. Trên em chúng nó làm thế nào mà giờ tịnh không còn một dây bìm bìm nào. Thứ  ba là nên trồng cỏ ventiver để phân vùng các nơi, không cho bìm bìm lấn chiếm rồi tuần tự tiêu diệt dần…
- À, cái cỏ Ventiver này thì mình có biết, đã nhìn thấy trên ta luy các con đường trên núi. Nghe nói cỏ này nhập từ Cuba  sang, được nhân giống trồng ở nhiều nơi ngăn chặn xói lở đất tại các tuyến đường giao thông rất hiệu quả. Nhưng ông xã mình bảo (chả biết có đúng không) rằng thực ra VN mình có thứ cỏ tranh mới thực là loài có khả năng bảo vệ đất tốt nhất vì cỏ tranh có bộ rễ ăn sâu vào đất. Nhưng cỏ tranh bị bà con mình sử dụng nhiều quá, từ chặt phần trên làm nhà cho đến đào cả gốc rễ để chữa bệnh … bí đái nên cỏ tranh có nguy cơ bị tuyệt chủng. Còn cỏ Ventiver thì chả ai làm gì nên mới tồn tại được chứ. Từ đó rút ra “triết lý”: khôn cũng chết, dại cũng chết, ngon cũng chết, dở cũng chết. Chỉ có thằng nào không dùng làm gì được thì được sống (và có khi còn được khen nữa cơ).
 Cô bạn nghe nói cười hí hí, khoái chí tỷ .
- Thế còn biện pháp phá bìm bìm, nếu là tớ thì tớ chỉ cần làm thế này : kiếm ngay một ông lương y (hay ông bà đồng nào đó) phán một câu trên báo: “Bìm bìm là một loại cây rễ có chứa hoạt chất ômvôdicô, xongxuoitađiông, lemongvodico… có khả năng tráng thận, cường dương, trị bệnh Y Sờ Lờ,  rất quí hiếm”. Nếu muốn “xôm” hơn thì cho tổ chức thu mua làm dược liệu …Đảm bảo 3 ngày sau không còn cái lá bìm bìm. He he

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

CÁI ĐỒNG HỒ

Cái đồng hồ thì là ... cái đồng hồ chớ chi nữa mà phải hỏi. Cụ thể hơn thì nó là cái để người ta biết xác định thời gian thời điểm cho một việc gì đó, để khỏi phải trễ đi một cái gì đó ....
Nhà tớ có cái đồng hồ to, treo tường. Lẽ ra đã là đồng hồ thì nó phải ... đúng giờ như những đồng hồ khác, mà có sai thì sai tí xíu thôi (ở đời này có cái gì đúng tăm tắp đâu mà đòi đồng hồ phải đúng) . Thế nhưng để nhắc nhở cu Tít và cu Bống (hai giai nhỏ chúa trùm ngủ nướng) về thời điểm đi học nên tớ đã vặn cho đồng hồ chạy trước khoảng 7, 8 phút. Thế là hàng ngày dù chỉ mới sắp đến giờ đi học nhưng tớ toàn chỉ đồng hồ để giục mấy nhóc "nhanh lên trễ giờ rồi kìa"
Sau vài lần kiểu ấy thì Tít và Bống khám phá ra cái sự gian lận của mẹ nó và thế là tiếp tục ... ngủ nướng, mặc cho mẹ nó giục toáng lên. Tệ hơn, chúng còn cố ý dềnh dang, chủ quan khinh địch "không trễ đâu mà mẹ, đồng hồ nhanh mà..."
Điên quá, thế là tớ mới vặn lại cái đồng hồ cho đúng tiêu chuẩn
Kết quả là ... cu Tít sém nữa bị đuổi ra ngoài vì đến trường chậm. (nó tưởng đồng hồ vẫn chạy nhanh như mọi khi)
Tớ rút ra kinh nghiệm ngay: Một khi cái dối trá đã trở thành thói quen được chấp nhận rồi thì việc thay đổi thói quen ấy dù là bằng sự trung thực sẽ trở thành ... tai họa.  

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

NGƯỜI LÃNH ĐẠO LÀM LÃNH ĐẠO

Cách nay đã lâu, mình đọc trong truyện Cù Lao Chàm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (hồi đó những tác phẩm của ông này rất hot vì đã động chạm đến những vấn đề thực tế đời sống, những nghịch lý mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói) và rất tâm đắc vấn đề ông đưa ra về chân dung người lãnh đạo.
 Người lãnh đạo dạng điển hình mà ông nhà văn nêu trong tác phẩm là một ông chủ tịch huyện. Ông này được đánh giá là một cán bộ sâu sát với dân, sẵn sàng xắn quần, tụt giày lội ruộng kiểm tra từng đám ruộng của dân. Ông dành hầu như thời gian làm việc của mình ở cơ sở, chỉ đạo từng việc một từ nhỏ đến lớn. Đám cán bộ xã sợ ông một phép còn dân thì hỉ hả, nói đến ông với sự quí mến chân thành…
Thế nhưng trong truyện cũng đã nêu lên ý kiến của một người nhận xét về ông Chủ tịch này một cách hoàn toàn khác với những người khác: Người này cho rằng ông Chủ tịch này không biết làm Chủ tịch hoặc cố tình đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng mà thôi. Việc của một ông Chủ tịch (dù chỉ là cỡ huyện, hay thậm chí là xã thôi) cũng là việc tập trung nghiên cứu các chính sách và chỉ đạo việc thực thi các chính sách đó trong cuộc sống theo đúng mục tiêu kế hoạch đã định ra. Ông tiếp xúc với thực tế là điều đáng hoan nghênh, nhưng không phải dành quá nhiều thời gian cho cơ sở, cho những công việc mà ông có thể yêu cầu cấp dưới của mình thực hiện vì đôi khi họ thực hiện điều đó tốt hơn ông. Ví như một vị tướng, nếu thi bắn súng tệ hơn một anh lính quèn là chuyện hết sức bình thường nhưng ông tướng thì vẫn là … ông tướng bởi một ông  tướng giỏi thì phải có tầm nhìn chiến lược, phải bố trí điều binh khiển tướng sao cho có thể đem lại thắng lợi cho cuộc chiến. Nhắc đến chuyện ông tướng lại nhớ ba mình hồi trước hay bảo: “Là mộtvị tướng, biết chắc chắn rằng dưới cái vạch đỏ bút chì của mình sẽ là hàng trăm, hàng ngàn người lính phải hy sinh và kéo theo đó là hàng vạn những người cha, mẹ vợ con phải chịu nhiều hệ lụy. Nhưng vị tướng vẫn phải vạch những vạch đỏ bút chì không ngoài mục tiêu chấm dứt càng sớm càng tốt cuộc chiến để cho hàng triệu người khác không bị hy sinh và hệ lụy”. Có lẽ không ai trách vị tướng đã vạch bút chì để người thân của họ phải hy sinh cho chiến thắng.
Mỗi người lãnh đạo có phương pháp điều hành riêng, nói cách khác là có cách làm riêng. Cũng không dám phê phán người nọ người kia dở hay hay dở thế nào. Nhưng theo mình đối với người lãnh đạo thì mục tiêu, chính sách và chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu chính sách đó thế nào mới là sự thể hiện tầm vóc và bản lĩnh của lãnh đạo. Điều đó quan trọng hơn rất nhiêu so với việc lãnh đạo suốt ngày lê la với cơ sở và làm những việc luôn của cấp dưới.  Khi ông ít xuống cơ sở thì tất sẽ bị đánh giá là thiếu sâu sát, là quan cách, không gần dân nhưng thà như thế để ông làm một Chủ tịch giỏi khi hiểu rằng những chính sách đúng đắn của ông sẽ đem  lại nhiều lợi ích hơn cho dân hơn là cái việc xắn quần lội ruộng kia.    
Gần đây báo chí cũng hay đưa tin về chuyện ông bộ trưởng này  phát biểu thế này, ông bộ trưởng kia nói thế kia, làm thế kia  rồi đánh giá đúng sai, hay dở … loạn cả lên. Mình cũng cho rằng một số Bộ trưởng mới cũng tự xắn quần, tụt giày để làm một số chuyện hơi ất ơ, vớ vẩn, đưa ra những chính sách nghe thì mạnh bạo nhưng rất bất khả thi…
Hôm nọ đi họp tổ dân phố góp ý cho Chủ tịch và các phó chủ tịch phường, nghe các cụ hưu phê bình gay gắt chuyện ôngchủ tịch chưa bao giờ xuống tổ mình cho bà con gặp mặt, nghe ý kiến của bà con xem sao. Mình phát biểu bênh liền: Các bác ơi, các bác phải lấy làm mừng khi ông ấy không đến tổ mình, bởi vì thứ nhất là tổ mình rất tốt, nhân dân vui vẻ đoàn kết, không có gì phức tạp cả nên ông ấy yên tâm. Thứ hai là lãnh đạo tổ cũng rất tốt nên đã lãnh đạo được tổ mình tốt như rứa. Thứ ba là ông Chủ tịch còn bao nhiêu chuyện quan trọng đau đầu nhức óc ở những chỗ khác cần đến ông ấy giải quyết mà ông ấy giải quyết được như báo cáo thì là ông ấy tốt rồi, các bác còn đòi hỏi gì nữa.           
Ối giời, nghe mình “ní nuận” như trên nếu ai đó đọc mà “oánh giá” rằng mình là một nhà lãnh đạo giỏi, thông minh, quyết đoán thì mình khuyên thật lòng là nên … nghĩ ngược hẳn lại. Nhưng có ai cấm một thằng lính bắn dở đi phê bình ông tướng bắn dở không nhỉ?  
" Người dân có lẽ cũng chia sẻ khi nghe nói Bộ trưởng Đinh La Thăng và các quan chức trong Bộ rồi đây sẽ đi xe bus tối thiểu một lần trong tuần. Nhưng nhớ, các nhà kinh tế đã từng tính toán, nếu Bill Gates đánh rơi tờ 100 dollars thì thay vì cúi xuống nhặt mà tiếp tục đi thì cái đầu của ông sẽ kiếm được nhiều hơn như thế. Lâu lâu “vi hành” để biết đứng trên xe bus thường dân nó khác với ngồi xe hơi Bộ trưởng như thế nào thì cũng cần. Nhưng, Bộ trưởng nên dành thời gian để tư duy. Mặt khác, một “tư lệnh” mà đến cơ quan với áo xống xộc xệch, mồ hôi nhễ nhại, thì cũng không “uy” cho lắm." (cop py của Huy Đức- Giống y ý mình muốn nói mà không dám nói)

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Phụ nữ Ả rập Saudi

 “Phụ nữ Arap Saudi sẽ được đi bầu vào năm 2015, và sẽ có đại diện tại hội đồng Shura, tương đương với quốc hội ở các nước khác”. Trên đây là Quyết định của nhà vua Abdullah ( ban hành ngày 25/9/2011) được thế giới coi là một bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước lớn nhất trung đông,  nơi phụ nữ chiếm đến hơn 45% dân số. Đây là kết quả của một chiến dịch diễn ra trong một thời gian dài với nỗ lực của rất nhiều phụ nữ Saudi để nhà vua có thể đi đến quyết định cho phụ nữ đi bầu.
Tại Arap Saudi, từ năm 1990 đã có lệnh cấm chính thức mọi phụ nữ được quyền lái xe trên đường phố. Những phụ nữ nào bị bắt gặp lái xe sẽ  phải chịu phạt. Ở Arap Saudi vẫn còn những người bảo thủ không muốn cho phụ nữ lái xe vì coi đây là một ảnh hưởng không tốt từ các nước phương Tây. Không những bị cấm lái xe, phụ nữ Saudi còn không được lên xe buýt công cộng và đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ Saudi không thể đi làm
Ngoài việc bị cấm lái xe, phụ nữ Arap Saudi còn bị bó buộc bởi một quy định về người giám hộ. Tất cả phụ nữ ở Saudi đều cần phải có một người giám hộ là nam giới trong gia đình khi làm bất cứ điều gì được cho là quan trọng. Phụ nữ Saudi muốn đi ra nước ngoài cũng phải có người giám hộ đi cùng. Một phụ nữ muốn có một phẫu thuật quan trọng ở bệnh viện cũng phải có giấy đồng ý của người giám hộ. Nhiều công ty ở Saudi và các cơ quan chính phủ yêu cầu những phụ nữ Saudi lần đầu tiên đi làm phải xuất trình giấy chứng nhận từ người giám hộ cho phép họ được đi làm. 
Hệ thống giám hộ cũng khiến người phụ nữ ở Saudi không thể kết hôn theo ý muốn của mình. Bất cứ phụ nữ Saudi nào muốn kết hôn với ai đều phải được sự đồng ý của cha mình. Nếu người cha không đồng ý thì ông ta hoàn toàn có thể tới tòa để yêu cầu ngưng đám cưới hoặc thậm chí bắt họ ly dị nếu đã cưới. Đã có những trường hợp người cha không muốn cho con gái kết hôn vì muốn cô tiếp tục đi làm và nộp thu nhập về cho gia đình.
Mặc dù quyền của người phụ nữ ở Arap Saudi bị hạn chế rất nhiều so với các nước khác trên thế giới nhưng phụ nữ Saudi lại có học vấn khá cao. Có khoảng 70% sinh viên đăng ký học tại các trường đại học ở nước này là nữ. Và có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp hàng năm là nữ. Điều đáng tiếc là phần đông trong số họ dù có học vấn cao nhưng lại không thể đi làm vì những quy định khắt khe trong luật.
Đọc xong mấy thông tin trên đây, cá nhân tui thấy muốn …qua Ả rập định cư quá. Lại chê rằng mấy bà ở bển sướng thấy mồ mà mắc mớ gì phải đấu tranh làm chi cho mệt.
Tui đồng ý phụ nữ nên đi học, học càng nhiều càng tốt (vì rảnh quá nếu không học thì biết làm chi cho "qua ngày đoạn tháng", không học coi chừng lại "vi bất thiện" thì không hay). Nhưng học xong thì ở nhà giữ con, có kiến thức thì ở nhà dạy con, chăm con, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, may mắn hơn nếu sau này có con đẹp thì cho đi làm hoa hậu, nam hậu, làm ca sĩ, người mẫu kiếm tiền nuôi lại mình.
 Phụ nữ đi đâu cũng phải có người giám hộ, có lái xe riêng : sướng quá còn gì nữa. Có người làm cho mình, bảo vệ cho mình, lại nghĩ hộ luôn cho mình thì  càng khỏe mình.
Các việc quốc gia đại sự, cứ để cho các cha đàn ông lo, oánh nhau thì các ông đi mà oánh, phụ nữ chúng tôi đỡ phải suy nghĩ đối phó, đau đầu nhức óc. Mắc mớ gì chúng tôi phải vô ngồi một đống chỉ để làm mấy cái bình hoa di động cho mấy ông, thậm chí tệ hơn lại trở thành mục tiêu cho thiên hạ đàm tiếu, nói ra nói vô, có khi bị đổ lỗi cho là nguyên nhân gây ra xung đột, chiến tranh...
Mà chắc bây chừ, chị em nhà mình cũng “ngộ” ra nhiều điều  rồi nên tui dẫn chứng lời bà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân như sau: "Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong tám nước khối ASEAN có nghị viện. Khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục ngày càng được thu hẹp với kết quả là 0,894 so với mức quy định là 1. Chỉ số phát triển con người và chỉ số giới lần lượt đứng vị trí 105 và 109 trong số 177 nước, chỉ số khoảng cách giới đứng vị trí 68/130 nước. Với những thành tựu đạt được, Việt Nam được đánh giá là nước xóa bỏ nhanh nhất khoảng cách giới 20 năm qua ở khu vực Ðông - Nam Á". Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thấp hơn nhiệm kỳ trước, chỉ còn 25,7%; trong Ban Chấp hành TW Ðảng từ 10 - 12% các khoá trước, nay chỉ còn 8%, đặc biệt nữ Bộ trưởng bây giờ còn hơn 4%. Hiện nay, nhiều Ban Thường vụ Tỉnh ủy không có nữ, quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới có hàng chục tỉnh không có nữ trong Ban Thường vụ; cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh cũng rất ít.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

6 NGHỊCH LÝ

Cái này là mình đã đọc được từ trong một quyển sách nghiên cứu của một nhà nghiên cứu Liên Xô cũ. Đọc từ hồi năm 1990, đọc xong 1 lần là thuộc luôn. Ông bảo CNXH có 6 nghịch lý, đó là:
1/ Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc cả
2/ Không ai làm việc cả nhưng ai cũng có lương
3/ Ai cũng có lương nhưng không ai sống đủ được bằng tiền lương
4/ Không ai sống đủ được bằng tiền lương nhưng mà ai cũng sống
5/ Ai cũng sống nhưng không ai vừa lòng
6/ Không ai vừa lòng nhưng ai cũng ... giơ tay biểu quyết nhất trí
Nói trước rùi, cái ni là của ông Liên Xô nói chớ không phải mình nói nhé   

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Bác Võ Nguyên Giáp, ba mình và … mình

Ba mình là lính bác Giáp. Mình biết chắc ba mình thích nói như thế, không cần phải nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu bác Giáp biết được chắc bác Giáp cũng thích những người lính của ông tự xưng như thế. Xưng như thế là người ta yêu bác Giáp lắm, tự hào về bác Giáp lắm và cũng thấy mình …oai lắm chứ không hề là cách gọi thiếu tôn trọng gì. Mình đã nhìn thấy một bức ảnh chụp ba mình đứng nghiêm trước hàng quân giơ tay chào bác Giáp. (Hình như bức ảnh này ba đã gửi bảo tàng rồi nên tìm lại không thấy nữa).
 Tất nhiên những người lính dù chưa một lần được vinh dự gặp bác Giáp như ba mình luôn có những điều tự hào, những câu chuyện thể hiện niềm tự hào về vị tư lệnh tuyệt vời này. Ngay cả trong những thời điểm mà bác Giáp phải làm “tư lệnh” cho công tác kế hoạch hóa gia đình thì những người như ba cũng không hề giảm đi sự suy tôn đối với bác.
Nhưng mình thì chứng kiến và cảm động bởi câu chuyện nhỏ, rất nhỏ thể hiện tình cảm của ba mình đối với bác Giáp.
Cách nay mấy năm, khi ba mình còn sống, ông đã quá già và nên lẫn luộn lung tung, lúc nhớ lúc quên. Ông rất hay cáu giận, không cho ai động đến mình, kẻ cả chuyện rửa ráy vệ sinh, cắt tóc, cạo râu… Rồi một hôm ngủ dậy ông bảo: “Hôm qua ông Giáp có tới thăm tui, tui hỏi ổng : Đại tướng  có khỏe không? Tui nhắc với ổng chuyện Điện Biên Phủ, tui báo cáo đề nghị ổng phải quan tâm cho anh em khu 5 vì anh em chiến đấu trong này cực khổ lắm”.           
Nghe xong cả nhà xúm lại bảo với cụ mình là không có chuyện đó đâu, bác Giáp đang ở Hà Nội và cũng yếu lắm nên không thể thăm ba được.  Nhưng ông cụ mình không tin, ổng mắng mỏ mọi người như tát nước. Rằng Đại tướng còn rất khỏe, ổng còn nói chuyện rổn rảng, cười ha ha mà vui lắm…
Tương kế tựu kế, mình mới bảo ba: “Đúng rồi, hôm qua bác Giáp có tới đây nhưng bác ấy chê ông Quang là bộ đội mà sao râu tóc để dài, quần áo lôi thôi quá. Không xứng là lính của bác ấy nữa. Ngày mai bác ấy lại đến thăm ba đó, ba phải sửa soạn quần áo râu tóc cho chỉnh tề mà đón bác ấy nhé.”
Thật đáng kinh ngạc, ông cụ mình nghe xong là nằng nặc đòi tắm rửa cắt tóc, cạo râu. Vừa làm ông vừa lẩm bẩm: đúng là bậy, bậy hết sức. Ăn mặc lôi thôi, tóc tai râu cỏ dài như ri mà  tiếp ổng là bậy quá. Ông lại khoe với mọi người:  Ngày mai ông Giáp tới thăm tui đó.(!) với một vẻ hớn hở rất hồn nhiên.
Nhiều khi mình định viết câu chuyện này hoặc viết một bức thư cho bác Giáp để kể câu chuyện này cho bác nghe nhưng lại nghĩ bác ý đang ốm nặng, lại nhiều thư từ hàng ngày quá nên không dám làm phiền. Mình cũng biết chắc nếu nghe được câu chuyện này  bác chẳng hề giận vì nhận ra trong đó là tình cảm chân thành của cấp dưới mình (cho dù câu chuyện có phần vớ vẩn và có sự lừa phỉnh của mình)
Ấy là ba mình với bác. Còn mình là con ba nên tất nhiên mình cũng nghe nhiều chuyện về bác và tất nhiên là cũng ngưỡng mộ bác không kém. À mà mình có lần được đi xe con với bác rùi nghe. Được thuyết minh cho bác về Hội An , được chụp ảnh chung với Bác nữa. Nghe mình giới thiệu về Hội An bác cứ tưởng mình là dân học sử chứ. Cũng may là cái gì cũng biết (mà không biết có đúng không) nên cũng “chống đỡ” được mấy câu hỏi của bác Giáp và Bác Hà (phu nhân bác Giáp- giáo sư sử học)
Hôm nay đọc báo mới biết là bác Giáp cũng đã tốt nghiệp cử nhân Luật và cử nhân kinh tế …giống mình. He he (lẽ ra phải nói là mình giống bác ý). Mình chỉ thua bác ý là mình chỉ được loại khá, không được giỏi. Thua bác ý là mình không phải là giáo sư lịch sử. Thua bác ý là mình … ối giời, nói túm tụm lại là  thua tòan diện, thua tất tật .
Nhưng cũng có tự hào chút chút là đi đúng theo đường của bác ý, có vẻ như suy nghĩ và đồng tình theo đúng suy nghĩ của (lính) bác ý, và luôn tự hào được làm con của …lính bác ý…