Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

CẢM TÍNH

Trong một bộ phim truyền hình. Một chàng luật sư trẻ không tên tuổi được chỉ định bào chữa cho một bị cáo bị cáo buộc là giết người. Hầu như mọi người trong phiên toàn đều biết bị cáo bởi đó là một tay giang hồ có tiếng, đã có nhiều tiền án, tiền sự và mới được mãn hạn tù trước khi vụ trọng án diễn ra vài hôm. Bị cáo đưa ra những chứng cứ ngoại phạm rất thiếu thuyết phục và hầu như ai cũng tin rằng bị cáo chính là hung thủ.
Thay vì bài bào chữa với những lời lẽ thống thiết, dài lê thê, những lời năn nỉ viện dẫn về những điểm tốt của bị cáo hòng mong sự mủi lòng của Hội đồng xét xử, chàng luật sư trẻ tuổi đã chỉ thẳng tay vào bị cáo và nói dõng dạc, đanh thép :
- Thưa các ông các bà. Đứng trước mặt chúng ta là một tên côn đồ bất hảo, một tên đã từng có gần 10 tiền án, tiền sự, một tên lưu manh đã phải bỏ gần hết đời mình trong nhà tù, giá như hắn có thể ở luôn trong đó hoặc chết đi thì tất cả chúng ta ngồi đây đều thở phảo nhẹ nhõm. Để cho hắn sống, là một vết nhơ cho cuộc sống tươi đẹp của chúng ta.
Hội đồng xét xử ngơ ngác, những người dự phiên tòa nhìn nhau, luật sự bào chữa cho nguyên đơn lắc đầu … Mắt bị cáo vằn lên những tia giận dữ, nếu không có những người cảnh sát giữ lại luật sự đã bị một quả đấm vào mặt. Xin mở ngoặc một chút để nói thêm. Về nguyên tắc nghề nghiệp không cho phép luật sư được nói những điều làm trầm trọng hơn tình trạng của bị cáo. Vậy mà…
Dừng lại một chút, nhìn xung quanh, chàng luật sư trẻ mỉm cười và nói tiếp:
- Nhưng thưa quí vị, sự căm ghét của quí vị cũng như của tôi, sự hận thù của gia đình người bị hại ngồi đây chúng như của hàng chục những nạn nhân đối với hắn không phải là căn cứ để buộc bị cáo đây phải ngồi tù. Bởi vì đó chỉ là cảm tính mà pháp luật thì đòi hỏi những chứng cớ cụ thể. Tôi xin lưu ý với cơ quan điều tra rằng bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình phạm tội mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan điều tra. Một khi cơ quan điều tra chưa đưa ra được những bằng chứng thuyết phục về việc thân chủ của tôi phạm tội thì thân chủ của tôi phải được tuyên là vô tội. Phần bào chữa của tôi chỉ có vậy thôi
Lần này, cả khán phòng tiếp tục … ngơ ngác nhìn nhau,  riêng bị cáo thì chắc chỉ muốn nhảy cẫng lên, nếu không có mấy cảnh sát giữ lại thì hắn đã nhảy bổ đến mà hôn vị luật sư trẻ kia.
Sau khi nghị án, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố bị cáo không phạm tội (hay nói đúng hơn là không đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo) và như vậy bị cáo đã được trả tự do tại phiên tòa.
Câu chuyện trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể … ở bên Tây cho thấy tầm quan trọng của chứng cớ theo đúng kiểu “án tại hồ sơ”, Luật pháp là luật pháp”.
Ở xứ mình hình như chưa bao giờ có tiền lệ như vậy....
(Bài này sẽ viết tiếp cho đúng tiêu đề, nhưng để hồi nào rảnh đã...)

TRÁI ỚT XANH XỨ QUẢNG

Đừng nói là tôi thuộc phường nhàn tản, quanh năm trà dư tửu hậu khi đưa ra cái kết luận về mối liên hệ ngỡ như chẳng có gì gọi là liên hệ giữa trái ớt xanh và người xứ Quảng. Nhưng quả thực càng ngẫm nghĩ càng thấy có lý.
Trái ớt xanh mà tôi muốn nói ở đây là loại ớt to bằng ngón tay, thon dài vốn chẳng phải là hàng hiếm, hàng độc gì ở xứ Quảng này nhưng tôi thấy lạ là hình như chỉ ở xứ Quảng mình mới có. Loại ớt này không cay lắm, vị hơi nồng, vỏ giòn, ít hạt, ai không quen ban đầu thấy hăng hăng, nhưng ăn quen rồi đâm nghiện. Khi mà nước mắm được coi là một loại “quốc hồn quốc túy” xứ ta thì chả ai dám bạo gan để đưa trái ớt xanh quê tôi lên hàng đặc sản. Nhưng tôi dám nói rằng nếu thiếu cái quả ớt xanh thì sẽ giảm đi một nửa cái sự ngon miệng khi ăn những thức quà xứ Quảng. Trên những sợi mì Quảng trắng nổi bật vài lát thịt và con tôm màu đỏ, dường như không thể thiếu được một nửa trái ớt xanh. Còn phải nói, cái nước kho cá ngừ, thêm vào vài quả ớt xanh, rồi tô bánh canh thêm mấy khúc ớt xanh dầm chỉ mới nói đến đã nuốt nước miếng ừng ực. Cái cảnh thực khách lùa mấy cọng mì, cọng bún lại cầm trái ớt xanh cắn cái rụp nghe đã hết xiết. Rồi canh cá bã trầu, canh cá khoai, cá giò, chỉ cần đập dập trái ớt xanh thả vào đã thấy ngon hơn hẳn.   Tôi đã từng chứng kiến bao nhiêu khách đến gánh mì Quảng vỉa hè nhăn nhó bà bán hàng vì sao hôm nay không có ớt xanh, còn bà bán hàng thì nửa như thanh minh, nửa như xin lỗi vì đã không mua được ớt nên không đáp ứng được cái nhu cầu “nhỏ mà không nhỏ” kia của các vị khách sành ăn. Tôi cũng đã từng được mấy người đồng hương giờ sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhờ gửi máy bay đem vào cho họ vài ba ký để ăn dần cho đỡ ghiền.  
Tôi không phải là một người xứ Quảng có cái may mắn được sống lâu đời trên mảnh đất này. Nhưng qua cảm nhận của mình, càng ngẫm lại càng thấy có cái gì đó na ná giữa hai thứ một thứ cụ thể như trái ớt xanh mới nói trên kia, một thứ lại trừu tượng như nét tính cách và văn hóa người xứ Quảng. Người xứ Quảng quê tôi ít coi trọng cái vẻ ngoài hình thức, nên trái ớt xanh cũng không bắt mắt bằng cái màu đỏ chói chang hấp dẫn vốn có của đa số họ hàng nhà ớt. Người xứ Quảng vốn tính cách thật thà, bộc trực, ăn nói thẳng thắn, dễ mất lòng,  chẳng khác gì cái vị hăng nồng như vị ớt xanh. Thế nhưng người xứ Quảng thân thiện, không quá xét nét, không đỏng đảnh, hầu như dễ thích ứng với môi trường, hoàn cảnh, dễ làm bạn với những người cả Nam –Trung –Bắc (kiểu như cực khổ đã quen, giờ sống ở đâu cũng được). Trái ớt xanh vì vậy cũng chẳng cay xè, cay xé họng và cứ thản nhiên, dung dị giữa những bóng bẩy, tỉa tót đời thường.  Người xứ Quảng không kiểu cách như người xứ Bắc và cũng chẳng xề xòa như người miền Nam . Nói kiểu quê tôi là “dễ cũng dễ mà khó thì cũng khó”. Ví dụ như cách ăn uống, họ cũng không sành ăn, kén ăn như món phở Hà Nội nước trong vắt mà “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, họ ăn món mì Quảng với thập cẩm thịt gà, thịt heo, tôm, trứng rau… nhưng lại đòi hỏi phải có quả ớt xanh và món rau thì phải thật nhiều rau bắp chuối hoặc cây cải con.   Nói đến đây, hẳn người đọc nếu có lòng cảm mến cũng sẽ ban cho tôi một nụ cười cảm thông, kiểu “ừ thì chẳng qua, rằng… thì là… tôi cứ muốn cường điệu hóa cái hay cái đẹp của người Quảng quê mình” chứ biết đâu cái chất nhà quê, thật thà thẳng thắn ấy cũng chính là cái thua thiệt mà người Quảng thường gặp phải. Quả nhiên không sai. Người Quảng xứ tôi như những bức tượng đá muối trong bảo tàng Chàm, cứ phơi mình trần thô mộc, qua bao sóng gió bão dông, hết triều đại này đến triều đại khác, chẳng sơn son thếp vàng, và có lẽ vì vậy mà cũng chẳng cần … phục chế.
Khi đưa bài này cho một cô bạn thân đọc chơi. Tôi ngay lập tức nhận được phản hồi qua chát: “Ớt xanh ơi, được đấy”. Lòng chợt vui vì đã có người đồng cảm, lại mừng hơn vì được bạn đặt cho cái biệt danh “Ớt xanh” rất hợp với tính cách của tôi. Như vậy bạn cũng đã nghĩ rằng tôi thấm đẫm chất xứ Quảng nồng nàn mà dung dị. Chắc không có cái biệt danh nào hay hơn thế.